Dành cho những ai có khoảng lặng trong cuộc sống để suy ngẫm...

Đèn không hắt bóng (Watanabe Dzunichi, NXB Hội nhà văn, 2016)

"- Bác sĩ Naoe tự đặt mình quá cao. Còn phải nói, người ta là giảng viên đại học kia mà... Bà y tá trưởng cho đến bây giờ vẫn nghĩ như thế. Noriko thì thoạt tiên không hề có chút thiện cảm nào với ông bác sĩ mới đến. Nhưng ngay từ tuần đầu cô đã có dịp phụ mổ cho Naoe và cô đã phải kinh ngạc trước vẻ đẹp tinh vi và chính xác của cách làm việc của anh. Cắt ruột thừa là một phẫu thuật tối đơn giản, chẳng có gì khó khăn đối với bất kỳ một bác sĩ phẫu thuật nào, huống hồ đối với một phó giáo sư trong bệnh viện của trường đại học. Nhưng tài ba của Naoe không phải ở chỗ đường khâu nhỏ và gọn gàng, và thậm chí cũng không phải ở chỗ toàn bộ cuộc phẫu thuật được hoàn thành đúng trong vài phút: ở đây không có một động tác thừa, không bao giờ con dao mổ ấn xuống một cách ngập ngừng, không bao giờ một động tác đã bắt đầu lại ngừng lại ở giữa chừng. Những ngón tay dài và thon của Naoe, giống như những cơ chế cực kỳ chính xác, bao giờ cũng đặt đúng phóc vào nơi cần thiết. Noriko là một nữ y tá chuyên phụ mổ, cô đã được chứng kiến không ít những phẫu thuật, nhưng chưa bao giờ cô được trông thấy một sự hoàn mỹ như vậy. Naoe ít khi mở miệng nói gì, nhưng khi đã nói thì chỉ đi vào cốt lõi của những điều cần nói. Các bệnh nhân, kể cả những người không biết gì về cái quá khứ vẻ vang của anh ở trường đại học, cũng đều đánh giá được rất nhanh những phẩm chất ưu tú của người bác sĩ phẫu thuật mới. Phải, Naoe có một kỹ thuật thực sự tài hoa, không ai bì kịp, nhưng lại lạnh lùng một cách kỳ quặc với những người xung quanh. Hình như anh chân thành quan tâm đến các bệnh nhân, nhưng đồng thời dường như lại giữ một khoảng cách khá xa với họ. Sự lãnh đạm của anh làm cho Noriko lo lắng, nó gây nên trong lòng cô một mối e ngại mơ hồ, hầu như bất tự giác. Hai người đã trở thành gần gũi ngay từ buổi hẹn đầu tiên. Từ quán cà phê họ đưa nhau đến quán ăn, rồi về khách sạn. Nhìn từ bên ngoài, mọi sự có vẻ như thể Naoe lôi cuốn và quyến rũ Noriko, nhưng thật ra, mặc dầu anh không ngờ, anh chỉ lăn theo những đường ray do Noriko đặt sẵn..."

 

Trích “Túp lều bác Tôm” Harriet Beecher Stowe (Văn học Mỹ, NXB Văn học, 2006)

 

…một thanh niên lai da đen thông minh, anh là nô lệ trong đồn điền bên cạnh, tên anh là Gioócgiơ.

 

Chủ anh cho một nhà máy sản xuất bao tải mướn anh làm công nhân. Chàng thanh niên được coi là người thợ giỏi nhất nhà máy. Anh khéo léo, lại có tài; anh sáng chế được một cái máy tước vỏ cây gai. Với trình độ học thức ít ỏi, trong hoàn cảnh sinh sống khó khăn, quả đó là một tài năng về cơ khí chẳng kém gì Huýtnay đã hoàn thành cái máy lọc hạt bông của mình.

 

Gioócgiơ là một thanh niên đẹp trai, dáng điệu dễ thương, cả nhà máy yêu mến anh. Nhưng, dưới con mắt của pháp luật, người thanh niên ấy không phải là một con người, mà là một đồ vật, và tất cả những phẩm chất cao quý của anh đặt dưới quyền kiểm soát của chủ anh, một người tầm thường, độc đoán và thiển cận. Khi hắn nghe tin Gioócgiơphát minh được cái máy, hắn đến nhà máy để xem cái đồ vật có trí óc ấy đã làm nên trò trống gì. Ông giám đốc niềm nở tiếp hắn và hoan nghênh hắn có được một người nô lệ đáng quý như vậy.

 

Người ta dẫn hắn đến nhà máy nghe Gioócgiơ thuyết minh cái máy của mình. Giọng nói của anh hùng hồn, dáng điệu chững chạc, cử chỉ đường hoàng khiến tên chủ có cái cảm giác khó chịu, thấy kém anh về mọi mặt. Một thằng nô lệ của hắn có quyền gì mà lại đi khắp đó đây, mặt thì vênh lên, và lại sáng chế máy móc nữa? Đã đến lúc phải chấm dứt đi thôi, phải lôi nó về nhà, bắt nó phải làm việc ruộng nương. Bởi vậy, ông giám đốc và tất cả thợ thuyền đều kinh ngạc khi nghe gã chủ nô lệ đòi tiền thuê anh Gioócgiơ và báo tin là hắn muốn mang anh về.

 

Ông giám đốc phản đối:

-          Kìa, ông Harit, quyết định của ông hơi đột ngột phải không ông?

-          Đột ngột đã sao? Cái thằng ấy không thuộc về tôi sao?

-          Chúng tôi dự định tăng lương cho anh ta.

-          Thưa ông, vô ích. Tôi không hề bắt buộc phải cho thuê nô lệ của tôi khi tôi không muốn.

-          Nhưng thưa ông, anh ta rất hợp với công việc nhà máy.

-          Tôi cũng tin như thế, nhưng ở nhà tôi, khi tôi bảo nó làm thì nó chẳng chịu khó tí nào.

Một người thợ nói chen vào, không đúng chỗ

-          Ông nên nghĩ là anh ấy đã sáng chế ra cái máy này.

-          Đúng, Một cái máy giúp tránh được việc lao động, có phải không? Thật giống nó như hệt, bao giờ chẳng thế. Thằng da đen nào mà chẳng muốn trốn lao động. Sự thật, cái bọn da đen, đứa nào cũng là cái máy tránh lao động. Không, tôi mang nó về.

Gioócgiơ đứng lặng người khi nghe bản án do một quyền lực độc đoán tuyên bố. Hai tay anh khoanh lại, môi mím chặt; anh thấy một sức phản kháng vùng dậy sôi sục trong lòng. Hơi thở dồn dập, đôi mắt đen tóe ra những tia lửa. Nếu ông giám đốc không nắm lấy tay anh mà khẽ thì thầm bảo anh thì anh đã có những hàh động phản kháng dại dột.

-          Anh Gioócgiơ ạ, anh cứ để người ta làm gì thì làm; trước hết, cứ về theo ông ta. Sau này, chúng tôi sẽ liệu đưa anh trở lại đây.

Lời thì thầm ấy không qua được mắt gã độc đoán; hắn đoán biết được ý nghĩa câu nói thầm, và điều đó chỉ làm hắn kiên quyết hơn.

Gioócgiơ phải làm những việc năng nhọc nhất trong trại. Anh đã dằn lòng, không thốt ra những lời hỗn xược. Nhưng những tia lửa ở đôi mắt và những cái cau mày cũng đủ diễn đạt ý nghĩ của anh. Đó là tiếng nói tự nhiên, không sức gì át nổi: một con người không thể trở thành đồ vật.

Trích “Nhớ Thầy Song An Hoàng Ngọc Phách”, Hoàng Cầm, Tạp chí Thế giới mới. Ngữ Văn 7, 2012

 

Từ niên khóa 1934-1935, tôi trúng tuyển vào Trường Cao Đẳng Tiểu học (tương đương với cấp Trung học cơ sở bây giờ) ở thị xã Bắc Ninh.

Sang niên khóa 1935-1936, bỗng có một giáo sư, chừng gần 40 tuổi, đâu như từ trường Thành chung, Lạng sơn đổi về đây. Lần đầu gặp, tôi bỗng thấy ở người thầy giáo mới này một vẻ gì đó rất nho nhã, rất đáng yêu và dĩ nhiên đáng kính. Đó là thầy Hoàng Ngọc Phách, dạy về môn văn.

Đến khi tôi 18 tuổi, lập gia đình quá sớm do ý muốn quyết định của bố mẹ, một điều không ngờ lại đến với tôi. Hóa ra ông trời run rủi thế nào mà vợ tôi lại là chị con bác của thầy Hoàng Ngọc Phách. Một ngày Tết, ở thị xã Bắc Ninh, tôi và vợ tôi đến chúc tết họ hàng nội ngoại thì người thầy rất kính yêu của mình lại chạy ngay ra cửa đón chào, gọi tôi bằng bác. Một điều “thưa bác”, hai điều “thưa bác” khiến lúc đầu tôi rất lúng túng ngượng nghịu chưa biết xưng hô như thế nào. Còn vợ tôi thì cứ thản nhiên gọi thầy giáo của tôi bằng “cậu” và tự xưng là “chị”, mặc dù vợ tôi kém “cậu em” đến trên 20 tuổi. Thế mới biết, cách xưng hô ở ngôn ngữ của ta thật là khó vì nỗi quá chi li khe khắt, quá phức tạp trong quan hệ họ hàng, xã hội.

Tôi tự trấn tĩnh và nói với thầy:

-          Năm mới, con đến chúc thầy và gia đình có nhiều sức khỏe và thành đạt trong mọi việc của đời sống ạ.

Khi trở về nhà, vợ tôi cứ phàn nàn:

-          Sao mình lại xưng “con” với cậu ấy? Cậu ấy là em mình chứ!

Tôi cười rất vui, đáp:

-          Anh phải tôn trọng cái điều có trước. Trước khi làm chồng em, anh đã là học trò của ông Phách từ lâu rồi. Người thầy giáo ấy đã có công lớn đào tạo được ra anh hôm nay đấy em ạ.

 

Trích “Tam quốc diễn nghĩa”, La Quán Trung, Văn học Trung quốc, NXB Thời đại, 2010

 

…Lúc ấy Trương Giác đương thừa thắng đuổi Đổng Trác, bỗng gặp 3 người (Huyền Đức, Quan Công, Trương Phi) đem quân chẹn đánh, quân Giác hoảng loạn, phải thua chạy đến ngoài năm mươi dặm.

                Ba người cứu được Đổng Trác về trại. Trác hỏi ba người hiện làm quan gì?

                Huyền Đức nói; “chân trắng” (ý nói người chưa có chức tước và công trạng gì)

Trác khinh thường, không thèm đáp tạ lại.

Huyền Đức bỏ đi, Trương Phi cả giận nói rằng:

-          Thằng cha này láo quá! Chúng ta lăn lộn vào đất chết để cứu nó ra, nó không ơn thì chớ, lại còn làm phách khinh người đến thế, nếu không giết nó, sao hả được giận này?

Bèn cầm dao vào trướng định giết Đổng Trác.

Đó chính là:

 

                        Nhân tình thế thái vẫn xưa nay

                        Ai biết anh hùng lúc trắng tay

                        Nếu được người người như Dực Đức

                        Trên đời hẳn hết kẻ không hay!

Muốn biết tính mạng Đổng Trác thế nào, xem hồi sau sẽ rõ…

Sồi già và những cây sồi non

                                Nguyễn Chí Thuật

 

Sồi già sừng sững giữa rừng

Qua bao năm tháng bạn cùng gió reo

Cành vươn tỏa bóng sớm chiều

Xung quanh cây cối lớn theo sồi già

Thấy sồi lồng lộng bao la

Cây con thèm được nguy nga như sồi

Giận mình chẳng lớn kịp người

Giận mình năm tháng chỉ ngồi bóng râm

Một hôm chúng bỗng mừng thầm

Bao nhiêu rìu búa chặt thân sồi già

Phen này chắc hết nguy nga

Phen này chắc hết bao la oai hùng

Bỗng đâu một tiếng vang rừng

Sồi đổ, đè nát một vùng cây con.

              (Chùm sách "Kể chuyện cho bé", NXB Kim Đồng)

 

Bí thư tỉnh ủy, Lục Thiên Minh (Thái Nguyễn Bạch Liên dịch), NXB Trẻ 2003

 

- Đồng chí chồng của em ơi, đồng chí có biết trong con mắt của các quan chức chân lý là gì, sự thực là gì hay không, với họ sự thật, chân lý khách quan đồng nghĩa cùng cấp bậc đại quan cao hơn họ. Họ chỉ dùng 2 loại người, hoặc là tâm phúc, biết xả thân làm thay cho họ mọi việc, dẫu đen, dẫu thối, loại này không cần nhẫn nại, không cần nghiệp vụ giỏi nhưng vẫn được trọng dụng. Loại thứ hai phải cực mạnh về năng lực, tuy không thân mật gần gũi cho lắm, tuy không cần cả ngày xum xoe bên họ nhưng yêu cầu thật thà, không gây phiền phức. Họ không thể thiếu hai loại người này nếu như muốn có thành tích chính trị để thăng tiến. Đồng chí chồng của em hãy lượng sức, mình có đủ tiêu chuẩn như vậy hay không?

-          - Nhưng Cống Khai Thần đâu thuộc loại quan kiểu mình vừa nói.

-          - Thì thuộc loại nào?

 

Mã Dương cười đau khổ và không tranh luận gì thêm nữa…

 

…Đêm hôm ấy, Mã Dương thao thức không thể nào chợp mắt, ông cảm thấy khó khăn nhất vào lúc này không phải công nhân bị sa thải, và cũng chẳng phải điểm tăng trưởng kinh tế đang ở tận đâu đâu, chưa ló dạng. Vấn nạn đang nằm trong nội bộ, ngáng trở lẫn nhau, anh muốn làm nhưng người kia chẳng muốn, anh định như thế này nhưng người nọ lại vạch ra thế kia, anh lấy tiêu chuẩn sự nghiệp đại cục để đánh giá, đo lường thành bại, nhưng họ thì một mực được mất cá nhân mà tiến thoái. Từ đó lẫn lộn trắng đen, không phân biệt nổi vàng thau, không dám kéo nhau ra ánh sáng mà tranh tài cao thấp, bằng mặt nhưng chẳng bằng lòng, bủa vây bao mạng lưới vô hình để hãm hại nhau khiến anh không thể đứng thẳng làm người, lắm khi phải còng lưng, mỏi gối, ước gì trong tay có “kim bài” hay “quân lệnh”.…

 

Việt nam quốc sử diễn ca

Hồ Chí Minh

Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.
Kể năm hơn bốn nghìn năm,
Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hoà.
Hồng Bàng là Tổ nước ta.
Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang.
Thiếu niên ta rất vẻ vang
Trẻ con Phù Đổng tiếng vang muôn đời,
Tuổi tuy chưa đến chín mười
Ra tay cứu nước dẹp loài vô lương.
An Dương Vương thế Hùng Vương,
Quốc danh Âu Lạc cầm quyền trị dân.
Nước tàu cậy thế đông người,
Kéo quân áp bức giống nòi Việt Nam,
Quân Tàu nhiều kẻ tham lam.
Dân ta há dễ chịu làm tôi ngươi?
Hai Bà Trưng có đại tại,
Phất cờ khởi nghĩa giết người tà gian,
Ra tay khôi phục giang san,
Tiếng thơm dài tạc đá vàng nước ta.
Tỉnh Thanh Hoá có một bà,
Tên là Triệu Ẩu tuổi vừa đôi mươi,
Tài năng dũng cảm hơn người,
Khởi binh cứu nước muôn đời lưu phương.
Phụ nữ ta chẳng tầm thường,
Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời,
Kể gần sáu trăm năm giời,
Ta không đoàn kết bị người tính thôn
Anh hùng thay ông Lý Bôn,
Tài kiêm văn võ, sức hơn muôn người,
Đánh Tàu đuổi sạch ra ngoài.
Lập nên triều Lý sáu mươi năm liền.
Vì Lý Phật Tử ngu hèn,
Để cho Tàu lại xâm quyền nước ta.
Thương dân cực khổ xót xa,
Ông Mai Hắc Đế đứng ra đánh Tàu,
Vì dân đoàn kết chưa sâu,
Cho nên thất bại trước sau mấy lần.
Ngô Quyền quê ở Đường Lâm,
Cứu dân ra khỏi cát lầm ngàn năm.
Đến hồi Thập nhị sứ quân
Bốn phương loạn lạc, muôn dân cơ hàn.
Động Hoa Lư có Tiên Hoàng,
Nổi lên gây dựng triều đàng họ Đinh.
Ra tài kiến thiết kinh dinh,
Đến vua Phế Đế chỉ kinh hai đời.
Lê Đại Hành nối lên ngôi.
Đánh tan quân Tống, đuổi lui Xiêm Thành
Vì con bạo ngược hoành hành,
Ra đời thì đã tan tành nghiệp vương.
Công Uẩn là kẻ phi thường,
Dựng lên nhà Lý cầm quyền nước ta.
Mở mang văn hoá nước nhà,
Đắp đê để giữ ruộng nhà cho dân.
Lý Thường Kiệt là hiền thần,
Đuổi quân nhà Tống, phá quân Xiêm Thành.
Tuổi già phỉ chí công danh,
Mà lòng yêu nước trung thành không phai.
Họ Lý truyền được chín đời,
Hai trăm mười sáu năm giời thì tan.
Nhà Trần thống trị giang san,
Trị yên trong nước, đánh tan địch ngoài,
Quân Nguyên binh giỏi tướng tài:
Đánh đâu được đấy, dông dài Á, Âu,
Tung hoành chiếm nửa Âu châu,
Chiếm Cao Ly, lấy nước Tàu bao la,
Lăm le muốn chiếm nước ta,
Năm mươi vạn lính vượt qua biên thuỳ,
Hải quân theo bể kéo đi,
Hai đường vây kín Bắc Kỳ như nêm
Dân ta nào có chịu hèn,
Đồng tâm, hợp lực mấy phen đuổi Tàu.
Ông Trần Hưng Đạo cầm đầu,
Dùng mưu du kích đánh Tàu tan hoang,
Mênh mông một giải Bạch Đằng,
Nghìn thu soi rạng giống dòng quang vinh,
Hai lần đại phá Nguyên binh,
Làm cho Tàu phải thất kinh rụng rời.
Quốc Toản là trẻ có tài,
Mới mười sau tuổi ra oai trận tiền,
Mấy lần đánh thắng quân Nguyên,
Được phong làm tướng cầm quyền binh nhung.
Thật là một đấng anh hùng,
Trẻ con Nam Việt nên cùng noi theo.
Đời Trần văn giỏi võ nhiều,
Ngoài dân thịnh vượng, trong triều hiền minh.
Mười hai đời được hiển vinh,
Đến Trần Phế Đế nước mình suy vi.
Cho con nhà Hồ Quý Ly,
Giết vua tiếm vị một kỳ bảy niên.
Tình hình trong nước không yên,
Tàu qua xâm chiếm giữ quyền mấy lâu,
Bao nhiêu của cải trân châu,
Chúng vơ vét chở về Tàu sạch trơn.
Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn,
Mặc dầu tướng ít binh đơn không nàn.
Mấy phen sông Nhị núi Lam,
Thanh gươm yên ngựa Bắc, Nam ngang tàng.
Kìa Tuý Động nọ Chi Lăng,
Đánh hai mươi vạn quân Minh tan tành.
Mười năm sự nghiệp hoàn thành,
Nước ta thoát khỏi cái vành nguy nan.
Vì dân hăng hái kết đoàn,
Nên khôi phục chóng giang san Lạc Hồng.
Vua hiền có Lê Thánh Tôn,
Mở mang bờ cõi đã khôn lại lành.
Trăm năm truyền đến cung hoàng,
Mạc Đăng Dung đã hoành hành chiếm ngôi
Bấy giờ trong nước lôi thôi,
Lê Nam, Mạc Bắc rạch đôi san hà,
Bảy mươi năm nạn can qua
Cuối đời mười sáu Mạc đà suy vi.
Từ đời mười sáu trở đi,
Vua Lê, Chúa Trịnh chia vì khá lâu
Nguyễn Nam, Trịnh Bắc đánh nhau,
Thấy dân cực khổ mà đau đớn lòng.
Dân gian có kẻ anh hùng,
Anh em Nguyễn Nhạc nổi vùng Tây Sơn,
Đóng đô ở đất Quy Nhơn,
Đánh tan Trịnh, Nguyễn, cứu đảo huyền
Nhà Lê cũng bị mất quyền,
Ba trăm sáu chục năm truyền vị vưong.
Nguyễn Huệ là kẻ phi thường,
Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu,
Ông đà chí cả mưu cao,
Dân ta lại biết cùng nhau một lòng.
Cho nên Tàu dẫu làm hung,
Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà.
Tướng Tây Sơn có một bà,
Bùi là nguyên họ, tên là Thị Xuân,
Tay bà thống đốc ba quân,
Đánh hơn mấy trận, địch nhân liệt là.
Gia Long lại dấy can qua,
Bị Tây Sơn đuổi, chạy ra nước ngoài.
Tự mình đã chẳng có tài,
Nhờ Tây qua cứu tính bài giải vây.
Nay ta mất nước thế này,
Cũng vì vua Nguyễn rước Tây vào nhà,
Khác gì cõng rắn cắn gà,
Rước voi dẫy mả, thiệt là ngu si.
Từ năm Tân Hợi trở đi,
Tây đà gây chuyện thị phi với mình.
Vậy mà vua chúa triều đình,
Khư khư cứ tưởng là mình khôn ngoan.
Nay ta nước mất nhà tan
Cũng vì những lũ vua quan ngu hèn.
Năm Tự Đức thập nhất niên
Nam Kỳ đã lọt dưới quyền giặc Tây.
Hăm lăm năm sau trận này,
Trung kỳ cũng mất, Bắc kỳ cũng tan,
Ngàn năm gấm vóc giang san,
Bị vua họ Nguyễn đem hàng cho Tây!
Tội kia càng đắp càng đầy,
Sự tình càng nghĩa càng cay đắng lòng.
Nước ta nhiều kẻ tôi trung,
Tấm lòng tiết nghĩa rạng cùng tuyết sương.
Hoàng Diệu với Nguyễn Tri Phương
Cùng thành còn mất làm gương để đời.
Nước ta bị Pháp cướp rồi,
Ngọn cờ khởi nghĩa nhiều nơi lẫy lừng;
Trung kỳ đảng Phan Đình Phùng
Ra tay đánh Pháp, vẫy vùng một phương.
Mấy năm ra sức Cần Vương
Bọn ông Tán Thuật nổi đường Hưng Yên,
Giang san độc lập một miền,
Ông Hoàng Hoa Thám đất Yên tung hoành.
Anh em khố đỏ, khố xanh,
Mưu khởi nghĩa tại Hà thành năm xưa,
Tỉnh Thái Nguyên với Sầm Nưa,
Kế nhau khởi nghĩa rủi chưa được toàn.
Kìa Yên Bái, nọ Nghệ An
Hai lần khởi nghĩa tiếng vang hoàn cầu.
Nam Kỳ im lặng đã lâu,
Năm kia khởi nghĩa đương đầu với Tây.
Bắc Sơn đó, Đô Lương đây!
Kéo cờ khởi nghĩa, đánh Tây bạo tàn.
Xét trong lịch sử Việt Nam,
Dân ta vốn cũng vẻ vang anh hùng.
Nhiều phen đánh bắc dẹp đông,
Oanh oanh liệt liệt con Rồng cháu Tiên.
Ngày nay đến nỗi nghèo hèn,
Vì ta chỉ biết lo yên một mình.
Để người đè nén, xem khinh,
Để người bóc lột ra tình tôi ngươi!
Bây giờ Pháp mất nước rồi,
Không đủ sức, không đủ người trị ta.
Giặc Nhật Bản thì mới qua,
Cái nền thống trị chưa ra mối mành.
Lại cùng Tàu, Mỹ, Hà, Anh,
Khắp nơi có cuộc chiến tranh rẫy rà.
Ấy là dịp tốt cho ta,
Nổi lên khôi phục nước nhà tổ tông.
Người chúng ít, người mình đông
Dân ta chỉ cốt đồng lòng là nên.
Hỡi ai con cháu Rồng Tiên!
Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau.
Bất kỳ nam nữ, nghèo giàu,
Bất kỳ già trẻ cùng nhau kết đoàn.
Người giúp sức, kẻ giúp tiền,
Cùng nhau giành lấy chủ quyền của ta.
Trên vì nước, dưới vì nhà,
Ấy là sự nghiệp, ấy là công danh.
Chung ta có hội Việt Minh
Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh
Mai sau sự nghiệp hoàn thành,
Rõ tên Nam Việt, rạng danh Lạc Hồng
Dân ta xin nhớ chữ đồng:
Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh!

Đỗ Quyên Đỏ, Anchee Min, NXB CAND, 2007

 

“…Nghĩ tới việc Lu lấy chồng thật kỳ quặc biết mấy. Những người đàn ông trong đại đội đều sợ Lu. Họ hàng phục trước khi đối mặt với Lu. Bóng Lu xuất hiện đã xua đàn ông đi mất rồi. Họ coi Lu như một tấm áp phích to trên tường. Họ tỏ ra tán phục Lu nhưng đóng khung Lu vào bức tường trong óc họ. Tôi nhìn thấy sự cô đơn trong mắt Lu. Đôi mắt chăm chăm nhìn ra cánh đồng những ngày mưa. Đôi mắt khát.

       Lu đi ngủ muộn. Lu ngồi trên chiếc ghế đẩu nghiên cứu Mao tuyển. Đêm nào cũng vậy và đã trở thành nghi thức…

 

… Vào khỏang đầu mùa xuân năm 1976, sau lần sát hạch cuối cùng, tôi được cử tới xưởng phim Thượng hải học một lớp đặc biệt để thử khả năng học tập của tôi. Nhiều người tôi đã gặp và đã nghĩ là những người ưu tú ví như cô gái có cái miệng như trái anh đào ở nông trường Sao đỏ, đã bị loại. Những người tỏ ra thiếu khả năng diễn xuất lại được giữ lại. Về sau tôi được nghe kể, một trong những nguyên tắc của đồng chí Giang Thanh là “thà có giống cỏ xã hội chủ nghĩa” còn hơn “mầm cây tư bản chủ nghĩa”, các giám khảo nghĩ tôi tuy kém tài năng nhưng lại đảm bảo về mặt chính trị….”

Ác quỷ Nam Kinh, Mo Hayder, NXB Văn học

 

Tấm thảm kịch Nam Kinh năm 1937 với những cột người chết, với một quả đồi phủ toàn thây người, với những em bé bị moi gan khi còn sống, với những người bị thiêu cháy khét lẹt, với những phụ nữ bị hãm hiếp… không chỉ là chuyện quá khứ. Có một người cha (Sử Trùng Minh), hơn 50 năm đã qua không nguôi thương nhớ đứa con gái bị moi ra từ bụng vợ mình bằng một lưỡi lê lạnh lẽo của tên diêm vương ăn thịt người Fuyuki. Và cuốn nhật ký về những năm tháng đớn đau ấy, cả cuộn phim quay lại bi kịch ngày ấy liệu có ai đánh thức dậy hay là mãi bị lãng quên?

 

Một điểm nhấn khác, cuốn sách được ra đời từ chính những trải nghiệm của Hayder (Grey) tại châu Á. Ác quỷ Nam Kinh được thai nghén từ khi tác giả còn trẻ, trong một lần tình cờ nhìn thấy bức ảnh một người lính Nhật đang chặt đầu một thường dân Nam Kinh. Để viết một câu chuyện hư cấu từ sự thực lịch sử, Hayder đã tìm đến nhiều công trình nghiên cứu để chắp nối các sự kiện. Bà đã nói về tác phẩm thế này: "Tại một nấm mồ tập thể tại đài tưởng niệm Giang Đông Môn, du khách tới Nam Ninh (tên gọi hiện nay của Nam Kinh) có thể tận mắt nhìn thấy hài cốt của những người dân bị giết trong cuộc xâm lược 1937 chất thành đống. Khi nhìn đống xương đó và cố gắng hình dung ra quy mô và mức độ thực sự của cuộc thảm sát, tôi chợt nhận ra rằng, dù con số tử vong thực sự là bao nhiêu, ít hay nhiều, bốn trăm nghìn hay chỉ mười mạng người, thì mỗi người trong số công dân không tên tuổi và đã bị quên lãng ấy, xứng đáng được chúng ta nhìn nhận như những chứng nhân của một tấm thảm kịch lớn trên sinh mạng nhỏ bé của con người".

 

Triệu phú khu ổ chuột (Vikas Swarup) là câu chuyện về Ram Mohammed Thomas, một người bồi bàn nghèo nàn không một xu dính túi, chưa từng tới trường học bỗng nhiên trở thành người chiến thắng vinh quang nhất trong cuộc thi Ai là triệu phú với 13 câu hỏi hóc búa. Nhưng sóng gió ập đến ngay sau khi chương trình kết thúc, giám đốc chương trình và nhà sản xuất đã gọi cảnh sát bắt anh vì nghi ngờ anh gian lận dù không có một bằng chứng nào. Trong khi đang bị đánh đập tại sở cảnh sát Ram được một người phụ nữ tự xưng là luật sư của anh, người anh chưa một lần gặp cứu thoát. Ram đã giải thích cho cô lý do anh trả lời được tất cả 10 câu hỏi trong trò chơi đó vì nó là cuộc đời anh từ khi là một đứa trẻ mồ côi bị bỏ lại trên bậc cửa trại tế bần. Trong đó, cuộc đời của chàng trai trẻ là một chuỗi hành trình mưu sinh, trải qua cả hạnh phúc và đắng cay, cả no đủ và đói khát, tình yêu và bi kịch…

Qua câu chuyện, chân dung của đất nước Ấn Độ với mọi góc cạnh từ xã hội, đạo đức, văn hóa, thân phận con người đều được khắc họa sinh động, chân thực. Gia đình người bạn thân thiết của Ram, Salim đã bị thiêu sống cùng căn nhà của họ bởi những người theo đạo Hindu. Những đứa trẻ dưới đáy xã hội trở thành nạn nhân của kẻ giang hồ sẵn sàng biến chúng thành tàn phế để mưu lợi. Những người phụ nữ bị tước đoạt quyền tự do, bị quấy rối bởi cha ruột… Phía trên kia, nơi cuộc sống giàu sang và danh tiếng, danh dự và lòng ích kỷ đang dần giết chết tình yêu và đạo đức của con người...
Song, không phải vì thế mà Triệu phú khu ổ chuột chỉ là một bài ca buồn và bi quan. Trái lại, cuốn sách là tác phẩm ca ngợi tình yêu, lòng tin và nỗ lực không ngừng để thoát khỏi thế giới bần cùng đen tối. Có những đoạn trong truyện được viết bằng giọng văn rất hài hước, mỗi chương truyện có thể xem là một tiểu thuyết thu nhỏ chứa đầy kịch tính, hấp dẫn và với lời kể rất dung dị, tự nhiên. Ngoài ra, cuốn sách còn khẳng định lòng tin của tác giả Vikas Swarup về giá trị đạo đức, lòng nhân ái trong mỗi con người thông qua cách đấu tranh giành lấy quyền quyết định số phận, cuộc sống của từng nhân vật. Một câu chuyện thực sự ý nghĩa và giàu giá trị nhân văn.

Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai)

 "...Hùng cười. Lần này thì anh cười thật sự. Đúng là suy nghĩ của đàn bà. Nhưng mà đúng vậy. Nếu khi đó không có mặt Sương thì sự việc có thể sẽ khác đi chút ít. Cái vẻ mặt du côn của nó, cho dù anh cố tình để nó hiện được ra cái mặt ấy, cũng dứt khoát không thể nhơn nhơn được như vậy. Quái dị! Hùng thoáng một suy nghĩ chua chát! Trong chiến tranh chả lẽ con người ta có thể đôi khi căm hận đồng đội hơn căm kẻ thù? Đồng đội là cụ thể, sự xúc phạm có hình có khối, kẻ thù là khái niệm, sự xúc phạm là mơ hồ, lúc có lúc không. 
    - Thực ra anh là một thằng người yếu đuối Sương ạ! - Tiếng nói anh xen vào gió rừng như một lời thú tội trước thánh đường - Không phải một lần đâu. Đã ít nhất trên ba lần anh thực hiện cái động tác khốn nạn đó. Chiến tranh mờ mịt, bạn bè chết hết lớp này đến lớp khác, ngày kết thúc đang còn nằm trong vô vọng, nhiều lúc anh muốn chạy trốn khỏi nỗi nhọc nhằn, khủng khiếp mà sức con người có hạn, không thể mãi chịu đựng. Nhưng lại không có gan chạy trốn đến tận cùng bằng tự sát. Càng không thể làm trò ô nhục đào ngũ hay chiêu hồi. Anh chỉ đủ can đảm tự thương. Tức là vẫn muốn níu giữ một chút hợp pháp, một chút thanh thản trong cái trò chơi man trá này. Mất một chân, thậm chí hai chân nhưng anh còn cả cuộc đời sau này. Dù cuộc đời có tàn tạ thế nào chăng nữa. Anh đã hành động giống như thằng Tuấn, giống như không ít kẻ khác một khi đã đánh đến trận thứ mười mà chưa chết. Một cuộc đời tật nguyền, không vợ không con, không tương lai, không niềm vui nỗi buồn, vô tri vô giác nhưng còn ngàn lần hơn vĩnh viễn chui vào lòng đất, câm lặng. Phải là thằng cầm súng thực sự, phải đánh nhau đến trận thứ mười thì mới nảy sinh được cái suy nghĩ này. Hiểu anh không?… "

Người Đua Diều, Khaled Hosseini, NXN Phụ nữ 2007 (Nguyễn Bản dịch)

 

" Tốt lắm, - Baba nói nhưng mắt ông lạ lùng. - Bây giờ, không cần biết ông thầy giáo sĩ ấy dạy gì, chỉ biết có duy nhất một tội, một tội thôi. Đó là tội ăn cắp. Mọi tội khác đều là biến thái của tội ăn cắp. Con có hiểu không?

- Không, thưa Baba jan, - Tôi nói, trong lòng thất vọng những mong mình hiểu. Tôi đâu muốn làm ông thất vọng.

Baba thốt ra một tiếng thở dài sốt ruột. Như thế cũng làm tôi day dứt, bởi ông không phải con người nóng nảy. Tôi vẫn nhớ tất cả những lần tối rồi mà ông vẫn chưa về nhà, tất cả những lần tôi ăn tối một mình. Tôi thường hỏi ông Ali rằng Baba đâu, khi nào thì cha tôi trở về nhà, mặc dầu tôi thừa biết ông ở công trường xây dựng để trông nom chỗ này, giám sát chỗ kia. Như thế không cần kiên nhẫn sao? Tôi đâm ra căm ghét tất cả những đứa trẻ mà ông đang xây trại mồ côi cho. Đôi khi tôi mong chúng chết đi theo cha mẹ chúng.

- Khi con giết một người, con ăn cắp một cuộc đời, - Baba nói. - Con ăn cắp quyền làm vợ của một người đàn bà, cướp cha của lũ trẻ. Khi con nói dối là con ăn cắp quyền của ai đó được biết sự thật. Khi con lừa bịp, con ăn cắp quyền được ngay thẳng. Con có hiểu không?

Tôi hiểu. Khi Baba sáu tuổi, giữa đêm khuya một tên trộm đột nhập vào nhà ông tôi. Ông tôi, vị thẩm phán đáng kính, đương đầu với hắn, nhưng tên trộm đâm ông tôi vào họng giết ông chết ngay, cướp mất cha của Baba. Dân thị xã bắt được tên sát nhân ngay trước buổi trưa hôm sau. Hoá ra là mộ lên du thủ du thực từ vùng Kunduz. Người ta treo cổ hắn lên cành một cây sồi, trước lễ cầu nguyện ban chiều hai tiếng. Chính chú Rahim Khan chứ không phải Baba kể cho tôi chuyện đó. Tôi luôn được biết mọi điều về Baba từ những người khác.

- Không có hành động nào xấu xa hơn trộm cắp, Amir ạ, - Baba nói. - Một người chiếm đoạt những gì không phải của mình, dù đó là một cuộc đời hay một ổ bánh naan... Ta nhổ vào loại người ấy. Và Thượng đế phù hộ cho hắn để đừng bao giờ hắn gặp phải ta. Con có hiểu không?"

 

Em phải đến Harvard học kinh tế, Lưu Vệ Hoa và Trương Hân Vũ, NXB Hồng Bàng

 

" Hôm nay, Đình Nhi kể bạn Lưu Bội ở lớp con thấy cô giáo gọi bạn khác trả lời câu hỏi trước, chứ không gọi bạn ấy, Lưu Bội có vẻ không vui, “vậy bạn ấy chỉ biết mình không biết người mẹ nhỉ?” Tôi nói với Đình Nhi: “Như vậy là ghen tức!” Tôi hỏi: “Con có hay ghen tức với người khác không?” Đình Nhi: “Con chẳng bao giờ, mẹ đã chẳng nói rằng, không nên ghen tức với người khác, người khác được trả lời trước, mình nên vui mới phải”. Thừa dịp đó tôi nói luôn: “Người khác tiến bộ, mình mới có bạn bè tốt mà chơi chứ. Con phải biết rộng lượng với khuyết điểm của người chậm tiến, nhưng rất khó coi họ là những người bạn tốt. Có nhiều người tiến bộ, cả nước mới tiến bộ được chứ”.

 

CHĂM LÀM TỪ NHỎ - CÓ LỢI CHO CẢ ĐẠO ĐỨC VÀ TRÍ TUỆ

" Ông Watland, một học giả Đại học Harvard Mỹ, đã bỏ ra 40 năm để nghiên cứu, theo dõi 156 cháu thiếu nhi ở Boston và đi đến kết luận: So với những đứa trẻ lười biếng không chịu lao động, thì những đứa trẻ ngay từ nhỏ đã biết yêu lao động, biết làm việc, khi lớn lên sẽ có mối quan hệ với mọi người nhiều gấp hai lần, thu nhập nhiều gấp năm lần, tỉ lệ thất nghiệp ít hơn 16 lần, sức khỏe tốt hơn nhiều lần và cuộc sống luôn thoải mái và đầy đủ. Vì rằng lao động đã giúp trẻ có được nhiều khả năng tốt, và các cháu luôn cảm thấy mình bao giờ cũng có ích cho xã hội."

 

Tuyết Hoa và cây quạt bí mật - Lisa See, NXB Hội nhà văn, 2008

 

" Tất cả những gì tôi biết được là việc bó chân sẽ khiến tôi có nhiều khả năng lấy chồng hơn và đưa tôi tới gần hơn với một tình yêu tuyệt vời nhất, một niềm hạnh phúc lớn lao nhất trong cuộc đời người đàn bà - con trai. Theo hướng đó, mục tiêu của tôi là phải có được một đôi chân bó hoàn hảo với 7 đặc điểm rõ rệt: chúng sẽ phải nhỏ, hẹp, thằng, nhọn và cong, song cũng phải thơm tho và mềm mại trong lớp vải bó. Trong số những yêu cầu này, độ dài là quan trọng nhất. 7 phân - tính từ gót chân đến đầu ngón cái. Tiếp đến là hình dáng. Một đôi chân hoàn hảo phải có dáng như búp sen, nó phải đầy đặn và tròn trịa ở gót, thuôn thành mũi nhọn về phía trước, toàn bộ sức nặng dồn cả vào ngón cái. Thế tức là các ngón chân khác và xương má chân phải bị đập vỡ ra và bẻ cong xuống dưới gan bàn chân cho tiếp giáp với gót chân. Cuối cùng, kẽ  chân, được tạo ra bởi phần thịt lớn vuông góc trong những nếp gấp. Nếu tôi có thể đạt được tất cả những điều đó thì hạnh phúc sẽ đến với tôi"

HOA TULIP ĐEN, Alexandre Dumas


Những con chim đưa thư tận tình đã mang đến cho anh diễm phúc gặp lại Rosa. Giờ đây, anh nóng lòng sốt ruột đợi đến chín giờ. 

Tiếng chuông cuối cùng điểm trên lầu canh vừa dứt, anh đã nghe thấy bước chân nhẹ nhàng của cô gái Frisonne; cánh cửa nhỏ gài lưới thép bỗng nhiên sáng; ghisê được mở từ bên ngoài. 

- Em đây rồi! - Rosa vừa nói vừa thở hổn hển vì lên cầu thang. 

- ôi! Em Rosa yêu quý! 

- ông thích gặp lại em sao? 

- Sao em hỏi thế? Nhưng em làm thế nào để đến được đây, em hãy nói đi. 

- Chả là tối nào cha em cũng ngủ ngay sau khi ăn xong và ông uống rượu hơi say. Nhờ đó, tối nào em cũng sẽ đến đây được một tiếng nói chuyện với ông. 

- ôi! Tôi cám ơn em, rất cám ơn em Rosa. 

Khi nói câu đó Cornélius ghé sát mặt anh lại cửa ghisê làm Rosa giật ngay người lại. 

- Em mang đến cho ông các mầm hoa tuylíp đây. 

Tim Cornélius nảy thót. Trước anh không dám hỏi Rosa đã làm gì đối với những mầm hoa quý của anh. 

- A! Thế ra em đã bảo quản được chúng ư? 

- Thế ông đã không giao nó cho em như một vật báu em phải trân trọng đó sao? 

- Có chứ, nhưng khi tôi đã hứa cho em thì chúng là của em. 

- Chúng chỉ là của em khi ông mất đi nhưng bây giờ ông còn sống, chúng là của ông. Em quyết định mang chúng trả lại ông; có điều em không biết làm bằng cách nào. Mấy hôm nọ khi bà vú nuôi mang thư của ông đến cho em, em mới quyết định gặp ông Hoàng xin đổi chỗ gác đến đây cho cha.em. Thế là em đến được Leyde. Chuyện tiếp về sau thế nào, ông biết rồi đấy. 

- Thế nào, em Rosa yêu quý, ngay trước khi nhận được thư tôi, em đã có ý nghĩ đến gặp tôi rồi ư? 

- ông còn hỏi điều đó! - Cô gái đã thắng được thẹn thò trả lời. - Em chỉ nghĩ có chuyện đó thôi. 

Khi nói vậy, Rosa trông rất hấp dẫn khiến lần thứ hai, Cornélius áp vội trán mình, môi mình lên tấm lưới sắt và như thế có lẽ để cám ơn cô gái đáng yêu kia. 

Như lần thứ nhất, Rosa lùi lại: 

- Nói thật, - cô gái nói. - em thường rất tiếc em không biết đọc nhưng không lần nào em tiếc bằng lần vú nuôi mang thư của ông đến cho em. 

Cô gái đỏ bừng mặt, mắt nhìn xuống, khiến cô không nhận thấy môi của Cornélius đưa gần lại, nhưng than ôi! Nó chỉ chạm lưới sắt; mặc dầu vậy, Rosa vẫn cảm thấy hơi thở nồng nàn của nụ hôn. 

Mặt cô tái nhợt, có lẽ còn tái hơn cả ngày nào ở Buytenhof trước cái án tử hình. Cô bỗng rên lên và bỏ chạy trốn. 

Cô chạy vội quá quên cả đưa trả lại Cornélius ba cái mầm giống hoa tuylíp đen của anh.

Hỏa Ngục (Inferno), Dan Brown


"...Langdon mở choàng mắt và hít một hơi thảng thốt. Anh vẫn ngồi nguyên bên bàn của Sienna, tay ôm đầu, tim đập loạn xạ.

Chuyện quái quỷ quỷ gì đang xảy ra với mình thế này?

Hình ảnh người phụ nữa tóc bạc và cái mặt nạ có mỏ cứ lởn vởn trong tâm trí anh. Ta là sự sống. Ta là cái chết. Anh cố gắng xua đi hình ảnh đó, nhưng có cảm giác như nó đã bám rễ vĩnh viễn vào tâm trí mình. Trên bàn phía trước mặt, hai cái mặt nạ trên bìa quyển chương trình biểu diễn đăm đăm nhìn anh.

Trí nhớ của anh sẽ lộn xộn và không được sắp xếp, Sienna từng nói như vậy.

Quá khứ, hiện tại và khả năng tưởng tương sẽ bị lẫn lộn với nhau.

Langdon cảm thấy chóng mặt.

Đâu đó trong căn hộ, có tiếng điện thoại đổ chuông. Đó là tiếng chuông kiểu cũ, lanh lảnh, vọng đến từ gian bếp.

"Sienna!", Langdon gọi to và đứng dậy.

Không có tiếng đáp. Cô ấy vẫn chứa về. Chỉ sau hai hồi chuông, cơ chế trả lời tự động được kích hoạt.

"Xin chào, Tôi nghe", giọng Sienna nghe đầy vui vẻ trong tin nhắn trả lời. "Xin

hằy để lại tin nhắn hoặc gọi lại sau."

Có tiếp bíp, và một phụ nữ vẻ hoảng loạn có chất giọng Đông Âu khá nặng bắt đầu để lại lời nhắn. Giọng bà ấy vang vọng ra tận hành lang.

Sienna, Danikova đây! Cô ở đâu rồi? Kinh khủng lắm! Bác sĩ Marconi bạn cô, chết rồi! Bệnh viện đang náo loạn! Cảnh sát đến đây rồi! Mọi người khai với họ rằng cô chạy ra ngoài và tìm cách cứu bệnh nhân! Tại sao thế? Cô không hề biết anh ta. Giờ cảnh sát muốn nói chuyện với cô đây! Họ đẫ thấy hồ sơ nhân vỉên rồỉ biết thông tin trong đó đều sai - địa chỉ sai, không có số điện thoại, thị thực làm việc giả - cho nên hôm nay họ không tìm ra cô, nhưng rồi họ sẽ tìm ra đây! Tôi cố gắng báo trước cho cô. Rất tỉếc, Sienna." 


Vịnh Tokyo - Anthony Grey, NXB Phụ nữ, 2009

 

"... Sau khi đặt cuốn sách sang bên, Eden thấy hình ảnh ngọn núi lửa vẫn ám ảnh trong tâm trí . Rất lâu Eden không thể nào ngủ được, chàng nằm yên lắng nghe tiếng quạt nước của bánh lái tàu Susquehanna đang đưa họ mỗi lúc một đến gần đát liền. hai ba lần chàng nhỏm dậy để nhìn qua cửa sổ cabin, cố tìm cái bóng mờ mờ của đất liền. Mặc dầu vậy, chàng thất vọng vì không thể nào nhìn thấy đỉnh núi đó nữa. Chàng ngồi dậy với cuốn sổ nhật ký cá nhân bìa bọc da và ghi chép rất nhanh torng đó, thỉnh thoảng vẫn thử nhìn về phía bờ. 

Cuối cùng khi chàng ngủ thiếp đi, đỉnh núi rực sáng trở lại trong giấc mơ. Trước mắt chàng đầy ắp một ánh sáng huyền ảo, chàng thấy mình đứng trên đỉnh núi, lướt trên tuyết rất dễ dàng và nhẹ nhàng, đi về hướng cái hố trên đỉnh núi nơi từ đó núi lửa phun trào. Trên đầu chàng, trong bóng đêm sâu thẳm của bầu trời hàng triệu vì sao chiếu sáng rực rỡ, và khi lên đến đỉnh núi, thay vì nhìn vào họng núi lửa, chàng thấy mình với tay lên bầu trời, rồi bình minh ló ra xóa tan màn đêm. Chàng cuốn tất cả vào trong tay dễ dàng như cuốn một dải lụa. Những ngôi sao bằng bạc vẫn tiếp tục lấp lánh khi chàng quấn chúng quanh người thành một chiếc áo rộng lùng thùng tuyệt đẹp và kéo dài lướt thưới trên mặt tuyết phía sau lưng. Chàng quấn chiếc áo khoác vào người cho chặt hơn và cảm thấy một cảm giác tuyệt vời và dễ chịu xâm chiếm toàn bộ con người cũng như tâm trí của chàng theo một cách mà chàng chưa bao giờ được biết. 

...Khi nhìn kỹ hình ảnh phản chiếu của mình trong gương đột nhiên chàng cảm thấy choáng váng. Thay cho bộ mặt quen thuộc của mình chàng đang nhìn vào một gương mặt nghiêm nghị của một samurai Nhật Bản. Đỉnh đầu của người chiến binh này cạo trọc, phía dưới để lại một cái đuôi bô dầu bóng loáng được tết chặt lại thành đuôi sam và búi ngược lê phía đỉnh đầu thành một chiếc búi to như chiếc vương miện. Đôi mặt đen nhìn chàng không chớp, đầu tiên thù địch nhưng sau đó lại trở nên thân thiện. Rồi khi Eden nhìn vào đó, khuôn mặt đàn ông dữ dội này dần dần biến đi , thay vào đó là những đường nét dịu dàng của gương mặt một cô gái Nhật xinh đẹp. Lần này đôi mặt hình hạnh đào nhìn xuống, mái tóc được búi thành hình cầu kỳ và trông rất đẹp, dắt đầy những cây trâm bằng bạc. Giống như người samurai trước đó, nàng cũng tỏ ra quen thuộc với tấm áo lụa màu xanh lơ có đính những ngôi sao chàng đang mặc. Một lúc sau nàng mới ngẩng đầu nhìn lên, nhưng trước khi mắt họ hoàn toàn gặp nhau thì không hề có chút gì báo trước, đỉnh núi và tất cả những ngôi sao bỗng nổ tung trong một ánh sáng lóe trắng - và giấc mơ chấm dứt cũng đột ngột như khi nó hiện đến.

...Trong những ngày tháng bảy  năm 1853, người dân Nippon sợ hãi và chờ đợi bọn rợ trên những “con tàu đen” tiến dần vào bờ. Những người dân của cái dân tộc biệt lập với thế giới ấy rõ rang là hậu duệ của những bộ tộc Mông cổ gan dạ. Người ta tin rằng hơn 2000 năm trước, tổ tiên xa xôi của họ đã từ những sa mạc xa xôi miền Trung á, đi bộ về phương Nam và vượt biển trên những chiếc xuồng và mảng để đến được quần đảo Nhật bản. Ngôn ngữ Nhật hiện đại và một số đặc điểm vật chất còn tồn tại đến ngày nay khiến người ta đưa ra giả thuyết là trên hành trình của mình, những người dân di cư đó đã có những tiếp xúc với người Mã lai và người Polynezi. Những cư dân đầu tiên của quần đảo Nhật Bản, thường được gọi là người Ainu, đã từng phải đương đầu chống chọi với người Mông Cổ, cũng giống như những thổ dân Úc xưa kia đã từng phải đương đầu. Có thể người Ainu từ Siberia đến đây từ hơn 1000 năm trước đây, trong thời kỳ băng hà khi mà những quần đảo này còn được nối với đại lục châu Á. Sự có mặt của người Mông cổ sau đó đã mau chóng chinh phục và đẩy lùi dân tộc này lại. Mặc dù vẫn có sự hòa trộn nào đó về dòng máu- kết quả của các cuộc hôn phối- phần lớn người Ainu bị đẩy về phía Bắc đến đảo Hokkaido. Hiện nay trên đảo này vẫn còn một số người Ainu.

 

Chỉ có khoảng 17 % đất đai đồi núi của Nhật Bản có thể canh tác được, và những người di dân Mông cổ nhanh chóng trở thành những bộ lạc trồng lúa nước. Những đội quân riêng gồm các chiến sĩ Samurai mọc lên như nấm trên các lãnh địa được phong tước. Các daimyo không ngừng vận động và đánh nhau dữ dội để cố gắng dành được ảnh hưởng của mình ở triều đình Kyoto. Cuối thế kỉ 12, sự hỗn độn do các cuộc chiến đó gây ra đã đẩy Nhật bản đến một sự thay đổi lịch sử. Các hoàng thân miền Bắc đã đánh bại liên minh thù địch miền Nam và dựng lên hội đồng quân sự để lãnh đạo và đóng ở Kamaruka, gần Tokyo ngày nay. Người đứng đầu hội đồng quân sự đó được Hoàng đế phong cho tước hiệu Shogun – có nghĩa là Đại tướng quân dẹp phỉ vĩ đại. Dần dần Shogun và những người nối dõi ông ta trở thành một thế lực quân sự quan trọng của dất nước, tạo nên một triều đình riêng song song tồn tại với Vương triều. Trong suốt 700 năm sau đó, vương triều Mikado teo lại chỉ còn là một thứ bù nhìn không quyền lực quanh quẩn trong cung điện của mình ở Kyoto. Và thế giới bên ngoài rất ngây thơ tin rằng chính Shogun ngự trong thành Yedo mới là Hoàng đế. Đô đốc Perry cùng với tổng thống Hoa Kỳ, chính phủ Hoa kỳ và nhiều người nước ngoài khác vào thời gian giữa thế kỉ 19 cũng chung sự sai lầm đó. Và trong suốt cuộc đụng đầu với Đô đốc Thống chế Perry vào năm 1853, người Nhật cũng không hề nói một lời nào hoặc làm một việc gì để đính chính lại. Như vậy, Hoa kỳ và Nhật Bản – hai nước mà 130 năm sau sẽ trở thành những cường quốc mạnh nhất thế giới ngày nay – đã bắt đầu những tiếp xúc đầu tiên với nhau bằng cách sử dụng những mánh khóe dọa dẫm lừa dối, những miếng lừa đảo tinh vi đôi bên chẳng kém gì nhau. Trong vài ngày ngắn ngủi và đầy kịch tính ấy, người của cả 2 phía Hoa Kỳ và Nhật Bản đã không ngừng cố gắng để giành cho họ cũng như đất nước họ một nước đi trước có tính quyết định.

 

… Cô hầu gái hỏi bằng giọng thì thầm ngay thẳng:

 

-         Rồi sau đó có chuyện gì xảy ra, O Tokiwa-san? Sau đó hai người làm gì?

 

Tokiwa run run:

 

-         Bây giờ nhìn lại ta vô cùng ngạc nhiên  vì những hành động của mình. Nhưng bởi vì ta cảm động sâu sắc về giấc mơ của chàng nên chính tay ta đã cởi chiếc kimono này ra, mặc dầu bên trong không mặc gì cả. Ta quấn chiếc áo lụa màu thẫm quanh vai và ngực chàng..Ta nghĩ chàng cũng ngạc nhiên. Nhưng vì một màn đêm thật huyền ảo cho nên ta chẳng hề xấu hổ…

 

Eiko dịu dàng nói:

 

-         Như vậy bà đã biến giấc mơ của ông ta trở thành sự thật. Những gì bà làm thật là đẹp. Có lẽ kami của ngọn núi và của đêm tối đã muốn như vậy…

 

Tokiwa nhìn lên, mặt nàng chợt thấy cảm động. Má nàng dần dần ửng hồng và nàng xúc động cúi xuống tựa người vào người hầu gái:

 

-         Phải, ngọn núi lửa thiêng liêng nhất của chúng ta sao mà trắng muốt và tinh khiết đến thế dưới ánh trăng đêm ấy. Và trước khi tới quán trọ ta đã cầu xin kami của Fuji-san, điều mà ta chưa từng bao giờ làm cả. Ta đã cầu xin các ngài giúp ta. Và ta đã trốn thoát thật là trôi chảy – vì thế những gì xẩy ra sau đó cứ như là định mệnh. Dường như là mọi sự đều có một ý nghĩa nào đó…

 

Giọng Tokiwa lắng đi và nàng hạ mắt nhìn xuống. Người hầu gái hơi nhỏm lên trên chiếc chiếu, nhìn nàng cúi đầu lặng lẽ. Cô bồn chồn nóng ruột muốn nghe tiếp. Cuối cùng, Tokiwa thì thầm:

Sự say đắm của chàng người rợ ấy thật là mãnh liệt. Nhưng chàng cũng thật dịu dàng. Chàng không hề giống với những người đàn ông Nippon ta từng biết. Ở chàng có một vẻ gì đó vô cùng dịu dàng…"


Lời Phật dạy

 

10 ĐIỀU LÀM GIÀU

1. Không từ mọi gian nan cực khổ

Vì cần kiệm mà giàu

2. Buôn bán công bằng, nhiều khách hàng

Trung hậu mà giàu

3. Mỗi sáng thức dậy sớm

Chăm chỉ làm giàu

4. Thường chăm lo việc nhà

Lâu ngày rồi sẽ giàu

5. Giữ gìn nhà cửa đề phòng trộm cắp, hỏa hoạn

Cẩn thận mà giàu

6. Không làm những việc phi pháp

Giữ mình mà giàu

7. Trong nhà già, trẻ giúp đỡ nhau

Một lòng làm giàu

8. Vợ hiền, con ngoan không hà hiếp, ghen tuông

Giúp gia đình giàu

9. Dạy con cháu biết tạo lập sự nghiệp

Để đời sau giàu

10. Một lòng tích đức, làm thiện

Vì ở hiền mà giàu

 

10 LÝ DO NGHÈO

1. Phóng túng không lo làm ăn

Từ từ sẽ nghèo

2. Tiêu phí tiền bạc không tiếc tay

Dễ bị nghèo

3. Hàng ngày thức dậy trễ

Đường đi đến chỗ nghèo

4. Nhà có ruộng đất không lo canh tác

Làm biếng mà nghèo

5. Ham kết bạn với những người giàu có hơn mình

Nhìn cao đua đòi mà nghèo

6. Thích thưa kiện, tỏ ra anh hùng

Tức khí mà nghèo

7. Vay nợ làm sang, tỏ ra giàu có

Tự mình làm nghèo

8. Vợ con ăn no làm biếng con cái lêu lổng

Mạng phải nghèo

9. Để con cháu giao du với bọn bất lương

Bị lường gạt mà nghèo

10. Thích rượu chè, cờ bạc, trai gái

Nghèo triệt để

BÀI TẬP THỞ BỤNG CỦA BÁC SĨ NGUYỄN KHẮC VIỆC

(người chỉ còn 1/3 phổi đã sống thọ đến 85 tuổi)

Thót bụng thở ra

Phình bụng thở vào

Hai vai bất động

Chân tay thả lỏng

Êm chậm sâu đều

Tập trung theo dõi

Luồng ra luồng vào

Bình thường qua mũi

Khi gấp qua mồm

Đứng ngồi hay nằm

Ở đâu cũng được

Lúc nào cũng được!

Trên đường băng – Tony Buổi Sáng Blog

Tony vừa đi ăn cơm với Lim, một triệu phú người Singapore về. Lim học không giỏi, chỉ tốt nghiệp 1 khóa dạy nghề nhà hàng. Ban đầu Lim đi phụ bếp, lên đầu bếp rồi tích lũy ra riêng, mở chuỗi nhà hàng, đầu tư bất động sản, công nghệ, sang nước ngoài mua các dự án…

Tony dắt theo 1 con dượng để hạc hỏi. Bạn hỏi Lim, bạn là một người vừa đi làm, với thu nhập hiện nay là 6 triệu đồng, tức 300 USD, ở Sài Gòn, bạn muốn cất cánh thì phải làm sao?

Lim ngồi vạch ra một lộ trình, nói đây là nội dung Lim được học ở một khóa Entrepreneurship. Tony thấy khá hay nên ráng nhớ lại, diễn theo ngôn ngữ của mình, mời các bạn theo dõi.
————————————————————
Hãy ngồi xuống, tự vẽ ra một cuộc sống cá nhân thông minh nhất. Giả sử thu nhập hàng tháng của bạn là 6 triệu đồng, hãy chia làm 6 phần

tren duong bang

1. Ở: nếu ở trọ, hãy tìm nhà trọ ở xa nhất mà có thể kết nối với chỗ làm bằng phương tiện công cộng như xe buýt. Ví dụ ở tp HCM, nên ở Suối Tiên/An Sương chẳng hạn, có hàng chục chuyếnxe buýt vô chợ Bến Thành (sau này theo Metro số 1,2). Lúc ngồi trên xe buýt cũng là lúc quan sát xã hội từ trên cao, người đi xe máy xe hơi đều thấp hơn bạn cả. Không nên vật lộn với việc tự lái xe. 30 phút lái xe là 30 phút bạn lãng phí cho sự căng thẳng, nguy cơ tai nạn, hít khói bụi làm giảm tuổi thọ. Đi bộ từ trạm xe buýt đến nơi cần đến giúp tim bạn khỏe mạnh, sống thọ. Nếu chọn đi xe buýt mất 1h30 và tự lái xe mất 30 phút, hãy chọn đi xe buýt. Đám đông chỉ đi xe cá nhân, mình ngược lại với đám đông, đã sao? Tại sao bạn muốn nhảy vô 5% người giàu có mà không từ bỏ được tư duy của 95% còn lại? (Đọc thêm: 5% và 95%) Có việc nhỏ vậy mà bạn không dám thoát ra, thì việc lớn làm gì được? Sự sáng tạo mới đem lại cho bạn của cải và sự thú vị. Mà sự sáng tạo chỉ có khi đầu óc thảnh thơi. Hãy ngồi trên xe buýt và suy nghĩ về mọi thứ mình muốn. Sẵn sàng bỏ 2-3h mỗi ngày để quan sát, nghĩ lớn, ước mơ lớn. Không ai đánh thuế ước mơ. Đừng tư duy “1 vợ 2 con 3 tầng 4 bánh” cho nhỏ hẹp cuộc đời. Tại sao không thể sở hữu các tòa cao ốc, các chung cư, các trung tâm thương mại, các nhà máy xí nghiệp, máy bay, du thuyền? Không cần chia sẻ điều này với ai, mắc công họ nói mình khùng. Vì con cò không hiểu được đại bàng suy nghĩ gì đâu. Anh Lim kể, lúc ảnh làm phụ bếp, đang rửa thớt thì buộc miệng nói sau này mở chuỗi nhà hàng 30 cái toàn Đông Nam Á, ông bếp trưởng chửi big illusion, tức mày bị hoang tưởng, đòi tạt sốt cà chua vô mặt. Giờ anh Lim có 100 cái nhà hàng còn ông đầu bếp kia tới gặp anh Lim nộp đơn xin việc.

2. Ăn: Hãy dậy thật sớm, nấu cơm, xôi, mì. Nấu thêm để mang theo ăn trưa hoặc ăn ổ bánh mì, dĩa cơm bình dân nơi gần nhất. Mình nên ăn chay rau củ quả ở mức hấp/luộc, sẽ không có gì cả đâu nếu vài ngày trong tuần bạn không ăn thịt. Người ăn chay vẫn thông minh đẹp đẽ như thường. 90% kỹ sư IT người Ấn Độ ở Silicon Valley ăn chay. Mình ăn chay không phải vì tôn giáo mà vì sức khỏe. Thỉnh thoảng vẫn cứ quất thịt cá…nhưng nếu nấu cho 1 mình mình ăn, đừng tốn thời gian. Cứ cá chiên/trứng luộc, rau củ quả hấp, trái cây là đủ. (Đọc thêm: Chuyện ăn)

3. Chơi: Nên mời bạn bè 2 lần một tháng, ăn bình dân thôi. Nhóm 4 người, mỗi đứa 2 lần, 1 tháng mình có 8 lần gặp gỡ. Hãy chọn những người hiểu biết, giàu có hơn mình, đang làm công ty lớn, đang khởi nghiệp,…để nghe họ nói chuyện đời. Cá mập thì quây quần dưới đáy sâu. Cá lòng tong thì nhao nhao trên mặt nước, cạnh tranh khốc liệt việc đớp bọt. Khoe quần áo, bàn chuyện ca sĩ này diễn viên kia, bình luận tò mò Tony buổi sáng là ai, viết thế này đúng viết thế kia sai…chỉ có ở đám lòng tong. Đám cá lớn sống im lặng.

4. Học: Phải dành 10 USD=200 ngàn tiền mua sách/tháng. Người vĩ đại trên khắp thế giới, ngoài tủ rượu ra, trong nhà họ còn có tủ sách. Hãy đọc sách dạy làm người, làm giàu, sách kinh tế, sách văn chương, sách nấu ăn hoặc bất cứ sách gì ưa thích. Kiến thức rộng sẽ giúp mình làm ăn rộng. Khi đi làm, việc nói giỏi, cái gì cũng biết khiến công việc trôi chảy hơn. Tháng này bạn chưa bỏ ra 200 ngàn mua sách thì coi như thua. Đọc xong sách, kể lại nội dung cho bạn bè. Đừng giấu. Nếu có khóa học nào đó, nên đăng ký, hoặc dồn lại vài tháng làm 1 khóa, nhớ học với người thành đạt thật sự, tức người có điều hành công ty lớn, bậc trí nhân…chứ không phải nhóm mua môi múa mép.

5. Đi: Tháng để dành 1 triệu, năm sẽ có khoảng 12 triệu cho việc đi chơi. Ban đầu nên đi đường bộ sang các nước lân bang. Hãy tự thưởng cho mình mỗi năm một chuyến đi xa. Tết là thời điểm tốt để bạn về thăm gia đình, rồi đi chơi trước khi vô làm trong năm mới. Nhất định phải đi nước ngoài mỗi năm một lần, để coi sông, coi biển, coi đại dương nó ra sao…có cái gì hay ho thì bắt chước, mang về nước làm ăn.

Trong tay mình nên có 1 cái smartphone loại bình dân để tra tìm bản đồ, hãy đặt vé máy bay/xe lửa/xe đò.. giá rẻ nhất (ví dụ airbnb là 1 trang web tìm nhà trọ rẻ).

6. Để dành: tháng TỐI THIỂU để dành 1 triệu. Cứ gửi ở ngân hàng, nhiều hơn có thể mua 5 phân hoặc 1 chỉ vàng, đó là vốn khởi nghiệp về sau.

Năm tới, nếu thu nhập vẫn 6 triệu, tự tát vô mặt. Muốn tăng lương, hãy cống hiến. Đừng sợ người khác không thấy nỗ lực của mình. Đừng “khôn” kiểu “tôi có được gì không, làm nhiều cho lắm thì lương cũng vậy”. Tư duy này khiến mình nghèo miết. Hãy cố gắng làm thêm giờ. Bạn phải làm thêm việc ở cơ quan, đến sớm hơn, về trễ hơn. Trong lúc làm việc, tập trung cao độ, nhận nhiều việc của công ty giao, tự mở thêm các mối quan hệ trong công việc, tay kẹp ĐT, tay đánh máy, vừa đi vừa chạy…làm ầm ầm, ầm ầm vô.

Khi còn trẻ, hãy ra ngoài nhiều hơn ở nhà. Hãy nhào vô xin người khác “bóc hết, lột sạch” khả năng của mình. Chỉ sợ bất tài nộp hồ sơ “xin việc”, mà chả ai thèm cho, chả ai thèm bóc lột. Khi đã được bóc và lột hết, dù sau này đi đâu, làm gì, bạn đều cực kỳ thành công. Vì năng lực được trui rèn trong quá trình làm cho người khác. Sự chăm chỉ, tính kỷ luật, quen tay quen chân, quen ngáp, quen lười…cũng từ công việc mà ra. Mọi ông chủ vĩ đại đều từng là những người làm công ở vị trí thấp nhất. Họ đều rẽ trái trong khi mọi người rẽ phải. Họ có những quyết định không theo đám đông, không cam chịu sống một cuộc đời tầm thường, nhạt nhòa…rồi chết.

Còn những bạn thu nhập 6 triệu cũng túng thiếu, 20 triệu cũng đi vay mượn để tiêu dùng, thì thôi, cuộc đời họ chấm dứt giấc mơ lớn. Tiền nong cá nhân quản lý không được, thì làm sao mà quản trị tài chính một cơ nghiệp lớn?”. Tư duy thế nào thì nó ra số phận thế đó.

Số phận em, số phận cá lòng tong,
thôi thì em cứ nhao lên mặt nước.
Mấy chuyện linh tinh em phải rành mới được
Tò mò bữa ni ca sĩ X ăn gì
Cầu thủ A đi xế hộp hiệu chi
Đại gia nào, diễn viên B đang cặp?

Trên FB em, những thông tin dồn dập.
“Hum nai em buồn nhẹ mí bạn ơi
Hum nai lòng em lại chơi vơi
Làm sao đây để thoát nghèo, mí bạn?”

Cứ mãi ở ao làng, rồi ao sẽ cạn
Sao không ra sông ra biển để vẫy vùng?
Sao cứ tự trói mình trong nếp nghĩ bùng nhùng?
Sao cứ mãi online và thở dài ngao ngán?
Sao cứ để tuổi trẻ trôi qua thật chán?
……
Trên đường băng sân bay mỗi đời người.
Có những kẻ đang chạy đà và cất cánh
.

Không bao giờ là thất bại! Tất cả là thử thách (Chung Ju Yung, NXB Trẻ)

 

CÂU CHUYỆN TỪ NHỮNG CON RỆP

…Hồi còn làm lao động ở bến cảng Inchon, tôi đã ở trọ một nơi đúng là thiên đường cho rệp trú ngụ. Rệp nhiều đến mức không thể ngủ được dù rằng cơ thể rã rời sau một ngày làm việc nặng nhọc. Ngày xưa... rệp nhiều vô kể. Một hôm, chúng tôi nghĩ ra cách leo lên bàn ăn ngủ để tránh rệp, nhưng chưa được bao lâu thì rệp kéo nhau leo theo chân bàn lên cắn người. Chúng tôi lại tìm cách khác, lấy mấy cái bát đổ nước vào rồi kê vào bốn chân bàn, rệp trèo lên sẽ rơi vào bát nước mà chết đuối. Thế nhưng cũng chỉ ngủ yên được một, hai ngày, rệp ở đâu lại bắt đầu xuất hiện và cắn chúng tôi. Vừa bực mình vừa ngạc nhiên, chúng tôi bật đèn tìm hiểu xem lũ rệp làm cách nào mà có thể tránh được bát nước. Hay là chúng leo lên tường, rồi lên trần nhà và tìm chỗ có người để rơi xuống?

 

Đúng vậy, lũ rệp đã vượt qua trở ngại là bát nước, toàn tâm toàn lực cố gắng và đạt được mục tiêu mình muốn. Còn tôi? Tôi quyết định sáng nào cũng đến nhà trưởng phòng bảo an Condo của đồn cảnh sát Dongdeamun và trình bày hoàn cảnh cho đến khi nào giải quyết được vấn đề mới thôi.


KHỞI CÔNG XƯỞNG ĐÓNG TÀU ULSAN

…Đối với nhà máy đóng tàu thì chủ tàu đầu tiên nhận đóng “là ai và đặt đóng tàu bao nhiêu tấn” là cực kỳ quan trọng. Và điều này đã có ảnh hưởng tới niềm tin của tổ chức tín dụng thế giới, tới sự bảo lãnh chi trả và đương nhiên là cả việc bàn bạc với các chủ mua tàu tiềm năng sau này cũng như tương lai của nhà máy đóng tàu đó. Bây giờ mọi việc đã xong. Lại là một thắng lợi nữa của niềm tin và cách suy nghĩ lạc quan. Nếu anh không tự mình đầu hàng thì tất nhiên sẽ tìm ra phương để giải quyết. Bao giờ cũng vậy.


NGUỒN VỐN CỦA MỖI NGƯỜI

…Đúng như vậy. Uy tín chính là vốn. Nếu con người đó tạo đủ niềm tin với mọi người rằng anh ta cần cù, trung thực, chính trực thì đó sẽ là nguồn vốn, anh ta có thể phát triển, mở rộng cuộc đời mình bao nhiêu cũng được.

Tôi là người đã trực tiếp trải qua điều ấy và biết rằng người làm kinh doanh buôn bán có tiền thì tốt, nếu không có tiền thì với uy tín thôi cũng làm được. Về điều này thì doanh nghiệp hay cá nhân đều như nhau.

Cá nhân có thể bắt đầu làm một doanh nghiệp nhỏ với uy tín mình có, rồi từ cái uy tín đó mà có thể phát triển doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp lớn hơn, từ doanh nghiệp vừa thành doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp lớn phát triển và trưởng thành thành doanh nghiệp có qui mô toàn cầu.

Khi tôi rời quê hương trong tay không có lấy một đồng xu, thế mà bây giờ đã trở thành một doanh nghiệp lớn như thế này. Nếu chỉ gom tiền để trở thành một doanh nghiệp như thế này thì tuyệt đối không thể làm được. Với sự thành thật và chân chính, tôi được ông chủ cửa hàng gạo tin tưởng, và được ông giao lại cửa hàng.

Tôi bắt đầu kinh doanh với nguồn vốn duy nhất là người đáng tin cậy, đáng tin về sản phẩm, đáng tin về quan hệ tiền bạc, đáng tin về hợp đồng cung cấp, về thời hạn, về chất lượng công trình, kết hợp tất cả uy tín ở những lĩnh vực khác gom lại và trở thành Hyundai ngày hôm nay.

Con chim cũng cần cù mới tìm được miếng ăn ngon.

Cùng một số mệnh, cùng một thời gian sống, có người thì làm được 10 lần, 20 lần người khác, có người thì không làm được dù chỉ là một phần mấy mươi, một phần mấy trăm. Còn người lười nhác, để thời gian trôi đi một cách vô ích thì chẳng thể nào hạnh phúc được.

Một ngày làm việc cần cù thì một đêm có thể ngủ ngon giấc; một tháng cần cù thì sẽ thấy cuộc sống của mình đi lên; một năm, hai năm, ba năm, cả cuộc đời cần cù thì sẽ thấy sự phát triển to lớn. Cuộc sống của người cần cù sẽ ý nghĩa hơn biết bao nhiêu, họ có thể làm việc gấp bao lần người khác.


SỨC MẠNH CỦA XÃ HỘI TRONG SẠCH

… Cách đây không lâu tôi có dịp đi Canada và gặp chủ tịch Phòng Công nghiệp & thương mại nước này, ông ta nói: “Ở Canada, chúng tôi trợ cấp cho người thất nghiệp, vậy mà trong số kiều dần Hàn Quốc ở đây, chẳng có người nào phải cần đến trợ cấp cả”.

Thời ấy mức trợ cấp thất nghiệp là 400 USD, lương của người Hàn Quốc một tháng không như vậy nhưng họ vẫn làm kiếm tiền sống chứ không sống bằng trợ cấp thất nghiệp.

Ông ta cảm động và khâm phục người Hàn Quốc và nói nếu Canada tiếp nhận di dân thì họ chỉ nhận người Hàn Quốc mà thôi.

Chúng ta chỉ dựa vào tài nguyên con người ưu tú mà có ngày hôm nay. Tài nguyên tự nhiên của đất nước thì có hạn, nhưng sức sáng tạo và nỗ lực của con người là vô hạn.

Trong sạch - động lực của sự phát triển Có đất nước phát triển, có đất nước thụt lùi, có đất nước diệt vong. Vậy điều gì đã làm cho nước này phát triển còn nước khác diệt vong? Tôi nghĩ vấn đề cốt lõi là tinh thần và thái độ của chính phủ nước ấy, của doanh nghiệp và người dân nước ấy.

Nếu chính phủ không trong sạch thì tiêu cực sẽ lan sang doanh nghiệp và nhân dân trên tất cả lĩnh vực và sự bất chính trở thành một phong trào. Một xã hội như vậy thì không thể kích thích doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả và cũng không phát huy được năng lực của nhân dân.

… Đây cũng là chuyện đáng để chúng ta học hỏi và cũng là chuyện chúng ta ao ước.

Hiện nay ở châu Á, đất nước đang phát triển mạnh mẽ là Singapore. Với dân số không quá 2,5 triệu, những năm 1980 Singapore đã xuất khẩu được 225 tỉ USD, nhiều hơn 3,5 tỉ so với dân số 37 triệu của Hàn Quốc.

 

Vậy động lực của họ là gì? Singapore là một đất nước rất nhỏ bé, tài nguyên thì ngay cả nước uống cũng không có, cái duy nhất mà người dân nước này có chỉ là không khí. Thế mà người dân Singapore lại có thể sống một cách giàu có. Chính là vì chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân nước này trong sạch.

Một chính phủ trong sạch, nhân dân không biết đến tiêu cực, đó chính là căn bản của động lực phát triển kinh tế Singapore.


AI LÀ NGƯỜI GIÀU CHÂN CHÍNH

…Tôi có quan niệm khác về sự giàu có. Nói giàu có mà chỉ nghĩ đến vật chất là điều sai lầm. Mục tiêu của tất cả mọi người là sống và nỗ lực đạt điều mình muốn, chứ không phải hoàn toàn vì vật chất. Chẳng hạn, để thoát khỏi đói nghèo, tôi đã cố gắng làm kinh tế, nhưng cũng có người tốt nghiệp đại học, rồi trao dồi nhiều tri thức thêm nữa để trở thành những học giả, nhà nghệ thuật, nhà ngôn luận…Tôi nghĩ người nào thành công trong việc mình muốn làm mới chính là người giàu có, chứ không phải là thành công về vật chất...


Khuyến học, Fukuzawa Yukichi 

...Theo như suy nghĩ của tôi, bản chất thực sự của học vấn là phải động não suy nghĩ, chứ không phải chỉ là đọc sách một cách đơn thuần.

Và để ứng dụng sống động ý nghĩ đó vào cuộc sống thực tế thì cần phải biết trù tính, lo liệu. Tức là phải quan sát sự vật. Phải suy đoán đạo lý của sự vật. Phải đưa ra chính kiến, cách nghĩ cách làm của bản thân mình. Ngoài ra đương nhiên là còn phải đọc sách, phải viết sách. Phải nói lên ý kiến của mình cho người khác nghe. Phải tranh luận. Biết vận dụng tổng hợp các biện pháp như vậy thì mới được gọi là nghiên cứu học vấn.

Quan sát sự vật, suy luận, đọc sách là cách để tích luỹ tri thức.

Bàn bạc, tranh luận là cách để trao đổi tri thức.

Viết, diễn thuyết là cách để mở rộng tri thức.

Trong các biện pháp trên đây, có cái đạt được bằng sự nỗ lực của chính bản thân mình. Có cái cần có người bàn, người nghe. Đó là khi tranh luận, diễn thuyết. Và như vậy cần thiết phải tổ chức các buổi tranh luận và diễn thuyết.

...

BÍ QUYẾT DUY NHẤT ĐỂ NÂNG CAO KIẾN THỨC:KHÔNG ĐƯỢC TỰ MÃN

Để nâng cao kiến thức và phản ánh điều đó trong hành động thì phải làm thế nào? Bí quyết là phải suy nghĩ, so sánh trạng thái của sự vật, nhắm tới giai đoạn phát triển cao hơn, kiên quyết không được tự thỏa mãn. Tuy nhiên nếu chỉ lấy một yếu tố hay một hiện tượng để phân tích và so sánh thôi thì không đủ. Mà phải phân tích mọi “sở trường”, “sở đoản” của các yếu tố, các hiện tượng nằm trong tình thế, hình thái sự vật ở cả hai phía.

Ví dụ, có một sinh viên chăm chỉ, miệt mài học hành. Anh ta không rượu chè, không chơi bời bê tha. Anh ta tự giác học tập, không để cha mẹ, thầy giáo phải nhắc nhở hoặc quở mắng. Anh ta tỏ ra rất hãnh diện. Nhưng sự tự đắc đó chẳng qua chỉ là so sánh với những sinh viên lười nhác thôi. Học tập chăm chỉ là lẽ đương nhiên của con người, chứ đâu đến mức phải khen ngợi. Bởi lẽ, lý do sinh tồn của con người chắc chắn ở tầm cao hơn nhiều.

Nhìn vào đâu, và đạt được sự nghiệp gì thì có thể toại nguyện?

Con người luôn luôn nhắm tới hình mẫu của những người thành đạt hàng đầu. Cứ nhìn thấy sở trường của người khác hơn bản thân là bứt rứt. Thế hệ sau bao giờ cũng muốn học tập vượt hẳn thế hệ trước. Mới đạt được trình độ hiện thời mà sinh viên đã tự mãn thì hỏng. Vai trò của sinh viên chúng ta vì thế rất quan trọng.

Những kẻ suốt đời chỉ biết học suông thì chí quá thấp. Những kẻ bê tha rượu chè, chơi bời là những con người vô dụng. Vậy mà lại lấy làm hãnh diện so với cái lũ người đó. Như thế có khác nào công khai cho người đời thấy sự ngu dốt?

Trong xã hội mà phẩm cách và hành động của con người cao, thì cái kiểu tranh luận vớ vẩn này sẽ không có chỗ và có nói ra cũng cảm thấy ngượng.

...Vậy thì phải làm thế nào để thỏa sức phát huy được tính cách và thực lực thực sự của bản thân, làm thế nào để cống hiến cho xã hội. Muốn vậy cần bốn điều kiện sau.

COI TRỌNG TIẾNG MẸ ĐẺ

Phải học cách nói năng. Đương nhiên không được xem nhẹ các bài viết, các tác phẩm, vì chữ viết vốn có vai trò quan trọng trong việc chuyển tải suy nghĩ của mình cho độc giả. Nhưng để thông báo trực tiếp những suy nghĩ của mình cho mọi người xung quanh, thì không có gì hơn là nói chuyện. Vì thế cần học nói cho trôi chảy, lưu loát, sinh động. Gần đây, nhiều cuộc diễn thuyết đã được tổ chức. Ngoài cái lợi là được nghe những vấn đề diễn giả đề cập, còn có cái lợi nữa là cả người nghe lẫn người diễn thuyết đều cùng học được cách diễn đạt, cách nói chuyện.

Vô phúc phải nghe bài nói của những diễn giả ngôn ngữ nghèo nàn, diễn đạt khô khan thì thật là buồn chán. Ngay thầy giáo đứng trên bục giảng, cách diễn đạt cũng rất quan trọng. Ví dụ để giải thích về một loại khoáng chất như “thạch anh” chẳng hạn. Nếu chỉ hướng xuống học trò với khuôn mặt nghiêm nghị và nói một câu khô khốc: “Đây là viên thạch anh” thì dĩ nhiên học trò cũng hiểu. Nhưng nếu thầy giáo giảng giải tỷ mỉ bằng từ ngữ sinh động thì chắc rằng sẽ hấp dẫn các em hơn. Ví dụ có thể nói “Các em hãy nhìn vào cái trên lòng bàn tay thầy và đoán xem nó là cái gì? Trông giống hòn bi phải không nào? Trong như thuỷ tinh phải không nào? Thực ra không phải là thủy tinh mà là một hợp chất được khai thác từ mỏ. Tỉnh Yamaken có rất nhiều. Người ta gọi nó là thạch anh.”

Không học cách nói, cách diễn thuyết là nguyên nhân chính làm nghèo nàn cách diễn đạt ngôn ngữ. Gần đây, sinh viên có xu hướng sính tiếng Anh vì cho rằng tiếng Nhật thật bất tiện. Là người Nhật Bản mà không nói sõi tiếng mẹ đẻ, không dùng trơn tru tiếng Nhật thì thật là tệ hại. Tiếng mẹ đẻ phát triển cùng với sự tiến bộ của văn minh. Người Nhật phải rèn giũa tiếng Nhật, phải nỗ lực học cách trình bày vấn đề một cách trôi chảy mạch lạc.

KHI GIAO TIẾP NÉT MẶT CẦN TƯƠI TẮN, ĐỪNG ĐỂ NGƯỜI TA GHÉT

Mới gặp nhau lần đầu mà người đối diện lại mang bộ mặt khó đăm đăm, được khen mà cũng không dám nở nụ cười vì sợ trở thành vô duyên, thì quả là chẳng biết nói thế nào.

Việc biểu lộ vẻ mặt tươi tắn, sinh động là một điểm rất quan trọng trong giao tiếp giữa người với người. Vì sao vậy? Bởi vì sắc mặt của con người giống như cánh cửa vào ngôi nhà vậy. Để giao tiếp, để bạn bè, khách khứa đến chơi, cửa nhà phải luôn rộng mở, sạch sẽ.

Muốn giao tiếp sâu với người khác mà lại không chú ý đến sắc mặt, dung nhan, chỉ tin vào cách ngôn của Khổng Tử, lúc nào cũng ra vẻ quan trọng, cao đạo thì có khác nào mời khách tới chơi mà lại treo lủng lẳng bộ xương người trước cổng, để cỗ quan tài ngáng lối ra vào nhà. Thế thì ai dám lại gần?

Trên thế giới, nước Pháp được coi là cái nôi của văn minh, là trung tâm văn hóa và tri thức của nhân loại. Một trong các nguyên nhân đó là khí chất của quốc dân. Động tác của người Pháp lúc nào cũng nhanh nhẹn, cách nói năng hoạt bát, sôi nổi, vẻ mặt vui vẻ làm người ta dễ gần, dễ tiếp xúc.

Cũng có người sẽ nói rằng: “Lời nói và dung nhan là do bẩm sinh, có cố gắng sửa cũng không được. Có ai rỗi hơi đâu mà cứ phải để ý hay bàn luận chuyện này”. Ừ thì có thể như vậy. Nhưng tưởng vậy mà không phải là như vậy. Tinh thần của con người càng hoạt động càng phát triển. Nó cũng giống như cơ bắp nếu thường xuyên tập luyện thì sẽ phát triển và rắn chắc. Hoạt động tinh thần sẽ làm cho cách nói năng, sắc mặt dung nhan cũng trở nên tốt hơn đẹp hơn.

Vậy mà định đem vứt bỏ hoạt động tinh thần, trở nên vô cảm, câm như hến theo tập quán cổ hủ xưa nay của người Nhật quả là sai lầm lớn. Cho nên, chúng ta luôn phải lưu tâm, đừng quên học cách nói năng, cách biểu lộ tình cảm trong cuộc sống hàng ngày.

VẤT BỎ HÌNH THỨC, HÃY THẬT LÒNG, THÀNH THỰC

Cũng có người thế này: “Nói như ông thì có tô điểm bộ mặt cũng chỉ là tô điểm bề ngoài thôi. Vả lại, trong giao tiếp như thế thôi không có đủ. Còn phải sắm sửa trang phục đắt tiền nữa, lại phải bày vẽ đồ ăn thức uống, người không hợp trong tính cách và suy nghĩ cũng vẫn phải tiếp, lại còn phải mở tiệc khoản đãi nữa chứ. Như thế chẳng phải là xúi bẩy người ta chạy theo hình thức bề ngoài hào nhoáng tốn kém đó sao?”. Ý kiến này cũng có cái lý của nó, nhưng hình thức không phải là bản chất của việc giao tiếp. Hình thức làm trở ngại trong giao tiếp. Nếu coi hình thức là bản chất của giao tiếp sẽ sinh ra tập tục xấu. Cũng giống như bản chất của thức ăn là dinh dưỡng. Dinh dưỡng nuôi sống cơ thể nhưng nếu ăn nhiều gây bội thực, làm hại cơ thể. Giao tiếp của con người cũng vậy. Trong thân mật, cần thẳng thắn chứ không cần hình thức. Chạy theo hình thức bề ngoài không phải là bản chất của giao tiếp. Trong cuộc sống không có quan hệ nào thân thiết như quan hệ vợ chồng con cái. Có lẽ mối quan hệ đó được duy trì bằng sự bộc trực không che đậy, bằng tấm lòng chân thực ngay thẳng. Chỉ khi nào gột bỏ che đậy bề ngoài, hình thức bộc trực mới có được thân thiết yêu thương. Sự thân thiết hòa thuận ở chỗ bộc trực, thẳng thắn. Người đời thường chê những người hời hợt, những người không có ý tứ, những người nhạt nhẽo... cũng là cách đề cao thái độ thẳng thắng thân mật.

TÌM KIẾM BẠN MỚI, KHÔNG QUÊN BẠN CŨ

Trong cuộc sống, có một thực tế là nhiều người không muốn quan hệ với người khác chỉ vì suy nghĩ khác nhau. Trong xã hội, học giả chỉ chơi với học giả, bác sĩ chỉ chơi với bác sĩ. Có trường hợp, cùng học một trường, sau khi tốt nghiệp, người trở thành viên chức hành chính, người thì buôn bán làm ăn, cả hai không gặp nhau, đôi khi thành ghét bỏ nhau, thật là không biết phân biệt.

Khi giao tiếp, phải mong muốn có bạn mới nhưng không được quên bạn cũ. Hai phía không thử giao tiếp quan hệ thì không thể hiểu ý muốn của nhau. Và đã không hiểu được ý muốn của người đối diện cũng có nghĩa là không thể hiểu được đối phương.

Còn để có bạn thân thì không đơn giản như vậy. Chơi với mười người có được một người làm bạn là tốt rồi. Và chơi với hai mươi người thì chẳng phải sẽ có được hai người bạn hay sao? Bước đầu của việc “biết người và được người biết” chính là ở chỗ này. Sự tín nhiệm, danh dự.. nên tạm gác sang một bên. Trước hết cứ làm sao để càng có nhiều bạn càng tốt.

Xã hội có đủ mọi hạng người, nhưng con người không phải là quỷ, cũng không phải là mãng xà. Kẻ xấu cũng không nhiều tới mức gặp ai cũng thấy người đó có ý định làm hại mình. Đừng quá cả nghĩ hay sợ hãi, đừng khách sáo, phải giao tiếp thẳng thắn và thực tình.

Điều quan trọng trong việc mở rộng giao tiếp là phải có tấm lòng rộng mở, quan hệ với mọi giới trong xã hội, không bó hẹp. Gặp gỡ bạn bè, có thể là bạn học vấn, bạn làm ăn, bạn đánh cờ, bạn hội hoạ... Trong mọi trường hợp ở thích đầu là phương tiện để giao tiếp rộng, có khi chỉ là tách trà, cốc nước, hay bắt tay cũng được.

Xã hội vô cùng rộng lớn, quan hệ giữa người với người cũng vô cùng phức tạp. Chẳng lẽ suốt cả một đời, con người chỉ biết sống như lũ cá thờn bơn ngoe nguẩy trong lòng giếng hẹp là toại nguyện hay sao?

Tháng 11 năm Minh Trị thứ chín (tức năm 1876)

Đúng việc - Giản Tư Trung - NXB Tri thức  (2015)

"...điều đó không có nghĩa là mọi thứ sẽ vô vọng nếu ta không may sinh ra trong một thời đại, một xã hội thiếu vắng sự dẫn đường. Trái lại, nếu mọi thứ càng tệ hai, càng đi xuống thì càng có nhiều thứ cần làm và mỗi người càng phải dấn thân, càng phải làm điều gì đó. Vì nếu cá nhân nào cũng trong mong có ai khác sẽ làm điều đó thay mình thì rốt cuộc sẽ chẳng có "ai" xuất hiện cả. Nhưng hành động của 1 người, dù nhỏ nhoi, có thể sẽ là nguồn cảm hứng để người khác hành động và cứ thế, sẽ tiếp nối nhau tạo ra những thay đổi lớn dần..."

 

...Năm 1931, học giả Phan Khôi từng nhận định “Người mình coi sự học cũng như cục gạch để gõ cửa, khi cửa mở ra rồi thì cục gạch ném đi. Cái học của ta là để gõ cửa giàu sang, khi giàu sang rồi thôi không nói đến học nữa”.

Còn năm 1959, học giả Nguyễn Duy Cần cũng đã viết trong tác phẩm "Tôi tự học" của mình như sau: 

"Có kẻ học đậu năm ba cấp bằng, có người đậu cử nhân, tiến sĩ… thế mà cũng còn bị người ta mắng cho là đồ “vô học”. Như thế thì “người có học” là người như thế nào? Chắc chắn, nó phải có một định nghĩa rõ ràng, nhưng thường được hiểu ngầm hơn là nói trắng ra. Tôi có quen nhiều bạn đậu kỹ sư điện, thế mà trong nhà có máy điện nào hư, phải đi tìm những anh thợ máy điện đến sửa… Nếu ta bảo họ giảng nghĩa về điện học, thì phải biết, họ sẽ làm cho ta điếc óc…

Tôi có biết nhiều ông giáo sư ở trường sư phạm ra, thế mà trong khi dạy học, họ không biết áp dụng một nguyên tắc sư phạm nào cả; học trò vẫn than phiền là giờ dạy của họ buồn ngủ muốn chết, không hiểu được gì cả… Rồi họ còn bảo: “Học trò mà học dở, không phải lỗi tại thầy”… Tôi cũng có thấy vài ông đậu bằng tiến sĩ hay thạc sĩ triết học, thế mà cách ăn ở với đời vụng dại như một người ngu, không hiểu chút gì về tâm lý của con người cả."

Tất cả những dòng ấy đều được viết cách đây non một thế kỷ nhưng gần như chẳng khác chuyện thời nay là mấy. Vậy thì phải chăng đã đến lúc người học cần ý thức được vai trò "làm chủ" của mình trong toàn bộ quá trình giáo dục.

TIỂU SỬ STEVE JOBS

(Walter Isaacson, NXB Thế giới)

''...Tòa nhà Pixar chính là bộ phim riêng của Steve Jobs". Jobs là một trong những tín đồ của những cuộc họp trực diện. “Người ta cố thuyết phục rằng trong thời đại kết nối như hiện nay, các ý tưởng sẽ được phát triển bằng email và iChat,” ông nói. “Điều đó thật điên rồ. Sáng tạo nảy sinh từ những cuộc họp hành trực tiếp, qua những cuộc thảo luận ngẫu nhiên. Bạn đi qua một đồng nghiệp, hỏi người ấy dạo này thế nào, bạn hào hứng “ôi thế à” và rất nhanh sau đó, các bạn nung nấu được cả đống ý tưởng.” Vì thế ông muốn toà nhà Pixar được thiết kế để mọi người gặp gỡ và họp mặt ngẫu nhiên.

“Nếu một toà nhà không làm được điều đó, bạn sẽ đánh mất sự sáng tạo và điều kì diệu lấp lánh toả ra từ những cơ hội tình cờ,” ông nói. “Thế là chúng tôi đã thiết kế một toà nhà khiến mọi người muốn đi ra khỏi văn phòng của mình và tụ tập ở khu trung tâm, với những người mà bình thường có lẽ họ chẳng bao giờ gặp gỡ.” Cửa trước, cầu thang chính và các hành lang đều dẫn đến hội trường trung tâm, quán café và các bảng thông báo đều ở đó, các phòng họp với cửa sổ đều nhìn xuống hội trường với sáu trăm ghế ngồi như trong rạp hát và hai phòng chiếu nhỏ hơn, tất cả đều quy tụ về hội trường. “Lí thuyết của Steve hiệu quả ngay từ ngày đầu tiên,” Lasseter nhớ lại. “Tôi đi ngang qua những người mà cả tháng tôi chẳng gặp lần nào. Tôi chưa bao giờ thấy một toà nhà lại khuyến khích sự hợp tác và sáng tạo đến mức này''

......Lễ phát bằng tốt nghiệp trƣờng standford

Jobs tiếp tục đấu tranh với bí mật ung thư - ông nói với mọi người rằng mình đã được chữa khỏi - cũng như khi giữ im lặng về chẩn đoán của ông vào tháng mười năm 2003. Bí mật như thế này không có gì đáng ngạc nhiên, đó là một phần bản chất của ông. Điều đáng kinh ngạc hơn chính là quyết định tâm sự riêng và công khai về việc chẩn đoán ung thư của ông. Mặc dù ông hiếm khi diễn thuyết, ngoại trừ những bài giới thiệu sản phẩm trên sân khấu, ông đã nhận lời mời phát biểu tại lễ phát bằng tốt nghiệp của trường standford vào tháng sáu năm 2005. Ông đang trong tâm trạng suy tư sau vấn đề sức khỏe và việc bước sang tuổi năm mươi.

Ông gọi điện cho nhà biên kịch xuất sắc Aaron Sorkin (tác giả của những vở kịch nổi tiếng như: Vài người tốt - A Few Good Men, Cánh tây - The West Wing) nhờ giúp đỡ về bài diễn văn.

Jobs gửi cho ông ấy một vài ý tưởng. “Đó là vào tháng hai và tôi không nhận được phản hồi nào cả, vì thế tôi gọi lại cho ông ấy vào tháng tư, ông ấy nói “ồ, được,” và tôi gửi cho ông một vài gợi ý,” Jobs thuật lại. “Cuối cùng tôi cũng tiếp chuyện được với ông ấy trên điện thoại, và ông ấy luôn miệng nói, “Được‟ nhưng cuối cùng đã là đầu tháng sáu mà ông ấy chẳng hề gửi cho tôi chút gì.” Jobs hoang mang, ông vẫn luôn tự viết những bài thuyết trình sản phẩm nhưng ông chưa bao giờ soạn diễn văn tốt nghiệp. Một hôm, ông ngồi xuống và tự viết diễn văn, không có sự giúp đỡ nào khác ngoại trừ một vài ý tưởng của vợ ông. Kết quả, nó trở thành bài nói chuyện đơn giản và rất thân tình, mang dấu ấn mộc mạc và cá nhân như một sản phẩm hoàn hảo của Steve Jobs.

Alex Haley đã từng nói cách tốt nhất để mở đầu diễn thuyết là “Hãy để tôi kể cho các bạn nghe một câu chuyện.” Không ai hào hứng với bài giảng, nhưng mọi người đều thích câu chuyện.

Và đó là cách Jobs đã chọn. “Hôm nay, tôi muốn kể cho các bạn ba câu chuyện trong đời tôi,” ông bắt đầu. “Chỉ thế thôi. Không có gì to tát. Chỉ ba câu chuyện.” Câu chuyện đầu tiên là việc bỏ học trường Reed College. “Tôi có thể không cần học những lớp mà tôi không hứng thú và bắt đầu tập trung vào những thứ hấp dẫn hơn nhiều.” Chuyện thứ hai kể rằng việc bị sa thải khỏi Apple lại là cơ may của ông. “Gánh nặng thành công được thay bằng sự nhẹ nhõm khi lại trở thành người mới bắt đầu, không biết gì về mọi thứ.” Các sinh viên tập trung cao độ, mặc cho chiếc máy bay lượn lờ trên đầu với băng rôn hô hào “tái chế tất cả rác điện tử,” và chính câu chuyện thứ ba đã khiến họ mê mẩn. Đó là việc được chẩn đoán mắc ung thư và những nhận thức do trải nghiệm đó mang lại:

Việc nhớ rằng mình sắp chết là công cụ quan trọng nhất mà tôi từng sở hữu để giúp bản thân ra những quyết định lớn trong đời. Vì hầu hết mọi thứ - mọi kỳ vọng bên ngoài, mọi sự kiêu hãnh, mọi nỗi sợ xấu hổ hoặc thất bại - đều gục ngã khi đối mặt với cái chết, chỉ còn lại những thứ thật sự quan trọng. Việc nhớ rằng mình sắp chết là cách tốt nhất tôi từng biết để tránh rơi vào chiếc bẫy suy nghĩ rằng bạn sẽ đánh mất thứ gì đó. Bạn đã trần trụi. Không còn lý do nào ngăn cản bạn lắng nghe con tim mình.

Sự tinh tế của bài diễn văn khiến nó trở nên đơn giản, thuần khiết và duyên dáng. Hãy tra cứu ở mọi nơi, từ các tuyển tập đến Youtube, bạn sẽ không tìm thấy một bài diễn văn tốt nghiệp nào hay hơn thế. Những bài khác có thể quan trọng hơn, như bài của George Marshall tại Đại học Harvard vào năm 1947 tuyên bố kế hoạch tái xây dựng châu Âu, nhưng không bài diễn văn nào có thể hấp dẫn hơn."

 

Đạo Phật của Tuổi trẻ - Thích Nhất Hạnh (NXB Thế giới, 2016)

...Đừng để mất thì giờ vào chuyện hình thức Trong khóa tu, chúng ta có thể ngồi lại để quán chiếu và nhìn sâu. Ta thấy được tình trạng của chúng ta và tìm ra những biện pháp, những pháp môn có thể làm dậy lên sức sống đó, tức là bất cứ cái gì chúng ta làm trong sinh hoạt của khóa tu đều phải có tác dụng nuôi dưỡng và trị liệu. Ăn cơm cũng vậy, ăn cơm như thế nào mà trong khi ăn ta được nuôi dưỡng và trị liệu. Giờ sinh hoạt tập thể ta hát "quay một vòng hát mà chơi" cũng vậy, sinh hoạt như thế nào mà trong thời gian đó có tính cách nuôi dưỡng và trị liệu. Nghe Phật pháp cũng vậy, nghe giảng Phật pháp như thế nào mà trong thời gian nghe những hạt giống nuôi dưỡng và trị liệu được tưới tẩm. Càng nghe ta càng thấy sáng trong tâm tư, càng nghe ta càng thấy rõ con người của ta. Khi ta dạy giáo lý cho các em thì thời gian dạy giáo lý đó không phải để cho các em thâu thập một mớ ý niệm, một mớ lý thuyết, mà giáo lý đó phải là cái mà các em có thể đem ra áp dụng trong sinh hoạt của đoàn, trong khi ăn, trong khi ngồi, trong khi chơi, trong khi rửa bát để có nhiều lợi lạc. Chúng ta ai mà không phải rửa bát? Nhưng rửa bát như thế nào để có hạnh phúc? Chúng ta ai mà không đi rửa tay? Nhưng rửa tay như thế nào mà trong giây phút đó có sự sống, có sự thức tỉnh. Đó là bổn phận của chúng ta. Chúng ta phải học, phải áp dụng điều học được vào đời sống của chúng ta. Và khi ta đã có được yếu tố của sự nuôi dưỡng và trị liệu rồi thì chắc chắn ta sẽ thành công với tư cách của một người Huynh Trưởng. Ta biết rằng nếu ta có thể điều phục được những giận hờn, bực bội, lo âu, thất vọng của ta thì ta mới có kinh nghiệm và khả năng để giúp cho các em trong đoàn làm được chuyện đó. Nếu ta học được phương pháp để có thể tái lập được sự truyền thông giữa ta và cha mẹ ta, nếu ta có thể tái lập được sự truyền thông giữa ta và các con ta, thì chắc chắn ta có thể giúp được cho đoàn sinh của ta và cho gia đình của em đó. Vì vậy ta không nên để mất thì giờ vào chuyện hình thức nữa. Ta phải thông minh, biết sử dụng thời giờ của mình một cách khôn khéo để cho tất cả mọi giây phút, mọi giờ sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử đều đem lại cho ta yếu tố của sự nuôi dưỡng và trị liệu.

... 

Thực tập với các em Trong văn kiện này có một vài ý quan trọng. Câu: "Các Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử mong mỏi quý vị phụ huynh cùng đi với các em trên con đường tu học. Bởi vì nếu không có quý vị tán đồng và yểm trợ thì chúng tôi không thể nào làm tròn được sứ mạng mà quý vị giao phó." Có nghĩa là quý vị đừng có khoán trắng con em quí vị cho chúng tôi, quý vị phải đóng góp một phần trách nhiệm. Nếu các em thực tập Năm Giới, không uống rượu, không sử dụng ma túy, không nói lời ác ngữ, mà quý vị không thực tập những điều đó thì làm sao các em thành công được! Chúng tôi sẽ hoàn toàn thất bại. Và vì vậy nếu muốn các em nên người, nếu muốn các em được nuôi dưỡng bởi những chất liệu từ hòa và an lạc của đạo Bụt thì quý vị cũng phải thực tập với các em. Nếu quý vị không thực tập thì các em sẽ đau khổ, các em sẽ nói: "Ở nhà, ba má em không có thực tập, vậy thì làm thế nào mà em thực tập được?" Như tiếng chuông chẳng hạn, nếu ba má không thực tập thì làm sao em có thể thực tập tiếng chuông chánh niệm hay là phòng thở được. Cho nên phải có sự liên minh rất chặt chẽ giữa Huynh Trưởng và phụ huynh thì ta mới làm tròn được sứ mạng của Tam Bảo giao phó. Một cuộc vận động phải được khởi ra để có sự đối thoại với phụ huynh và để mời phụ huynh tham dự. Đó là vì tương lai của các em chứ không phải vì ta muốn quyên tiền để làm đoàn quán hay làm gì khác. Vấn đề là chính vì con em của ta mà ta phải đóng góp phần của ta, chứ nếu quý vị bỏ luống và khoán trắng cho chúng tôi thì chắc chắn là chúng tôi sẽ thất bại. Chúng tôi là cá, chúng tôi cần phải có nước thì mới bơi được. 

....Ái ngữ và Lắng nghe Chúng ta làm thế nào để thực tập được những lời của Đức Thế Tôn dạy? Đó là đối tượng của khóa tu này. Chúng ta phải học, chúng ta phải tìm cách. Tại vì người anh, người chị, hay người em của chúng ta cũng đang lâm vào tình trạng này, có rất nhiều bực tức, nhiều sự thối chí, nhiều tủi hờn, nhiều giận dữ cho đến nỗi mỗi khi nói ra thì lời nói của mình có đầy sự chua cay, sự giận dữ, sự bực tức. Cho nên người kia không dám nghe. Vì có khổ đau nhiều quá nên chúng ta không thực tập được hai điều mà Đức Thế Tôn dạy. Điều thứ nhất là lắng nghe, điều thứ hai là ái ngữ. Muốn thiết lập truyền thông giữa anh chị em với nhau, muốn thiết lập truyền thông giữa ta và cha mẹ thì ta phải biết sử dụng hai phương pháp này. Khi nói ta phải nói những lời ôn tồn, nhẹ nhàng. Khi nghe thì ta phải nghe bằng trái tim của sự thương yêu. Hình như bây giờ chúng ta đã đánh mất khả năng lắng nghe, và khi mới nghe có một, hai câu thì ta đã đùng đùng nổi giận. Cha mẹ nghe con không được, mà con cũng không lắng nghe cha mẹ được. Tại vì mỗi khi nói ra thì ta không có khả năng nói ôn tồn và dùng lời ái ngữ. Trong ngôn từ của chúng ta có chất liệu của sự hờn tủi, có chất liệu của sự trách móc, có tính cách chua chát, buộc tội, cho nên người kia không có khả năng lắng nghe được ta. Mà khi người kia không lắng nghe được ta thì ta có cảm tưởng bị cô lập hóa (isolated) hoàn toàn. Vì vậy nỗi khổ ngày càng lớn vì sự truyền thông giữa hai người đã trở thành rất khó khăn. Ta đâu có muốn nói những lời cay chua, trách móc, buộc tội đâu. Ta biết nói những lời như vậy thì người kia sẽ không ngồi nghe được và sẽ bỏ chạy. Nhưng mỗi khi ta nói thì những nỗi khổ niềm đau cứ tuôn ra và tự nhiên lời nói ta mang tính cách chua chát, trách móc, buộc tội, lên án. Có những gia đình mà khi người cha nói thì toàn là giọng trách móc, chua chát, giận hờn, buồn tủi, buộc tội. Thành ra người mẹ không dám nghe và những người con cũng không dám nghe. Càng nghe họ càng khổ, cho nên ai cũng tìm cách trốn. Người cha có cảm tưởng là mình bị mọi người tẩy chay nên rất khổ. Người cha khổ vì người cha chưa học được phương pháp nói gọi là ái ngữ, tức là nói với sự ôn tồn, hòa nhã, với sự thương yêu. Chúng ta đã mất khả năng đó. Chúng ta đâu có muốn tẩy chay cha của ta. Chúng ta thấy ông rất khổ. Chúng ta muốn làm cái gì đó để giúp cho ông bớt khổ. Nhưng ta không biết rằng mỗi lần ta nghĩ bây giờ mình phải tới ngồi gần cha, lắng nghe cha để cha bớt khổ, để cha có dịp nói ra hết những gì đau khổ trong lòng thì kết quả ngược lại. Ta có rất nhiều thiện chí và thương yêu. Ta tới ngồi gần cha, ta nói: "Ba ơi, ba có những khổ đau gì thì ba nói cho con nghe đi, con sẵn sàng nghe." Nhưng mà khi cha ta bắt đầu nói thì từ từ những bực bội, những chua chát, lên án, giận hờn đi ra theo lời nói. Và ta chưa có đủ khả năng để chấp nhận những thứ đó cho nên sau 10 phút, 15 phút là ta bỏ chạy liền. Bởi vì trong khi nghe như vậy, những hạt giống khổ đau trong ta bị tưới tẩm, nó ùn ùn nổi lên làm cho ta khổ và làm cho ta có khuynh hướng muốn trả đũa trở lại, muốn chua chát, buộc tội trở lại: "Ba nói con như vậy, nhưng kỳ thực ba cũng như vậy. Ba cũng rất là tệ với con". Ta cũng có thể nói những câu như thế. Cho nên giữa hai cha con sự truyền thông trở thành khó khăn. Giữa mẹ và cha có thể cũng có tình trạng đó xảy ra vì trong người mẹ cũng có những điều không vui, những uất ức, khổ đau, đè nén, tủi hờn. Và không ai có thể ngồi lắng nghe người kia hơn năm phút, bảy phút mà không bỏ chạy vì trong khi nghe thì những hạt giống khổ đau trong mình bị tưới tẩm làm mình không chịu nổi. Trong chúng ta, chưa có ai được học phương pháp nói để tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc và tình thương nơi người kia. Nên bây giờ chúng ta phải học. Và chúng ta phải học trong khi nói năng để đừng tưới tẩm hạt giống khổ đau, hận thù của người đối diện. Tất cả những điều đó đã được dạy trong kinh điển rất rõ ràng. Nếu chúng ta biết thực tập một ngày, hai ngày, ba ngày thì tình trạng gia đình có thể thay đổi rồi. Phải có thực tập thì mới thành công được, chứ không phải chúng ta biết cần làm như vậy là ta có thể làm được liền đâu. Ví dụ như ta thấy người ta đánh quần vợt (tennis). Thấy thì dễ ợt. Nhưng nếu chưa học đánh mà vô sân, cầm vợt với trái banh thì ta đánh tùm lum không ra gì hết. Đừng tưởng là dễ. Muốn có thể lắng nghe được cha mình, mẹ mình, hay là con mình thì ta phải thực tập một thời gian: một ngày, năm ngày, bảy ngày, ở trong một môi trường thuận tiện. Có khi phải thực tập cả tháng mới làm được. Mà khi đã làm được rồi, thì ta mới có thể giải cứu được gia đình của mình. Ví dụ ở đây có một gia đình đang đau khổ, nơi kia cũng có một gia đình nọ đang đau khổ. Và ở đây thì mình có Gia Đình Phật Tử. Vậy Gia Đình Phật Tử đó có thể can thiệp vào như thế nào để cho những gia đình kia bớt khổ? Đó là cái mà Gia Đình Phật Tử phải học. Vì Gia Đình Phật Tử cũng là một gia đình, trong Gia Đình Phật Tử cũng có những khổ đau giống hệt như trong những gia đình thường ở ngoài đời.

....Niệm, định là thiền chỉ Khi tham dự các khóa tu là chúng ta thực tập thiền chỉ. Đó là cơ hội để chúng ta ngưng lại những sự lăng xăng, những sự chạy đua để có thể ngồi yên. Trong khi ngồi, khi đi lại cũng như khi ăn cơm hay rửa bát, chúng ta phải ở tư thế chánh niệm và chánh định. Chánh niệm và chánh định tức là thiền chỉ. Nếu chúng ta không nói chuyện, không cười giỡn không phải là chúng ta bị cấm nói chuyện hay cấm cười giỡn mà tại vì chúng ta thật sự muốn ngưng lại, muốn lắng lòng lại để có cơ hội nhìn sâu vào những đối tượng mà ta muốn quán chiếu. Và khi đã biết đi được từng bước vững chãi, nắm lấy hơi thở, rửa bát trong chánh niệm, cắm lều trong chánh niệm thì tâm của chúng ta mới lắng lại. Mục đích của chỉ là làm cho lắng lại, làm cho tụ lại, (to calm down, to be concentrated), đó là mục đích của thiền chỉ. Làm cho lắng dịu lại, làm cho an tịnh lại, làm cho chuyên nhất lại, cái đó gọi là thiền chỉ. Mà nếu ta không thực tập được phần thiền chỉ thì ta không thể thực tập được phần thứ hai tức là thiền quán.