PGS Văn Như Cương răn học trò 'không lên mạng câu giờ'

Trong thư gửi học sinh ngày khai trường, PGS Văn Như Cương nhắc nhở các em: "Hãy biết tiết kiệm thời gian, đừng gọi điện thoại quá nhiều, nhắn tin vô bổ, không đàn đúm bê tha, không bàn luận những điều nhảm nhí…".

Trao đổi với VnExpress.net, thầy giáo Văn Như Cương cho biết, hiện nay, có một số học sinh không chăm chú học, ham chơi, lên mạng chat mất thời gian. Đó là thực trạng đáng báo động và cần phải uốn nắn.

 

"Trường tôi có câu khẩu hiệu 'Có chí thì nên', nghĩa là mỗi học sinh phải có chí hướng, mục tiêu rõ ràng trong cuộc đời. Các em có thể ước mơ làm Bộ trưởng, Thủ tướng cũng không sao, miễn là các em vạch ra được kế hoạch, biết tiết kiệm thời gian và tích cực chuẩn bị để biến ước mơ thành hiện thực", thầy Cương nói.

 

Chính vì những trăn trở đó, vị hiệu trưởng già đã viết bức thư gửi học sinh THPT Lương Thế Vinh nhân ngày khai giảng, với những lời nhắc nhở, răn dạy cụ thể và tận tình. Thầy dẫn chứng, thủ khoa đại học có đến 80% xuất phát từ nông thôn bởi mục tiêu của các em là thoát đói, thoát nghèo, thoát cảnh "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Các em phải vào đại học để bước đầu cải thiện cuộc sống.

Nhà giáo ưu tú kể, chính ông cũng xuất phát từ học sinh nông thôn, đã cố gắng và phấn đấu để thoát khỏi cuộc sống vất vả. Nhưng ông đau lòng khi thấy ở Hà Nội, nhiều học sinh là "con ông cháu cha" không chịu học hành vì không đỗ đại học nhưng vẫn có cuộc sống sung sướng, vẫn có xe máy, những bộ cánh đắt tiền.

VnExpress.net giới thiệu bức thư Hiệu trưởng Văn Như Cương gửi học sinh của trường nhân ngày khai giảng năm học mới:

 

 

Hà Nội, ngày 4-9-2012

Các em học sinh thân mến!

Nhân ngày khai giảng chính thức năm học mới 2012 - 2013, thầy gửi tới toàn thể học sinh trường ta lời chào thân ái nhất.

Năm học vừa qua các em đã có nhiều cố gắng trong học tập và rèn luyện. Tất cả đều đạt học lực khá và giỏi, đạt hạnh kiểm khá và tốt. Đặc biệt là khối lớp 9 và khối lớp 12 đã có kết quả rất đáng tự hào trong các kỳ thi. 100% học sinh lớp 9 được cấp chứng chỉ tốt nghiệp THCS và trong kỳ thi hai môn Văn, Toán vào lớp 10 đã đạt điểm trung bình xếp thứ 5 trong thành phố. 100% học sinh lớp 12 thi đỗ tốt nghiệp, và trong kỳ thi vào ĐH, CĐ trường ta có điểm trung bình cho ba môn thi là 18,09 - xếp thứ tư trong thành phố (sau trường Chu Văn An, chuyên Amsterdam và chuyên Nguyễn Huệ). Như vậy, nếu không kể các trường chuyên thì kết quả học tập của học sinh Lương Thế Vinh đứng hàng đầu toàn thành phố Hà Nội. Thầy chúc mừng các em vì thành công tốt đẹp đó và mong rằng trong năm học mới các em sẽ có nhiều thành công mới.

Các em thân mến,

Trong đời sống của con người, khoảng thời gian ngồi trên ghế nhà trường hết sức quan trọng vì nó sẽ quyết định cho tương lai của mỗi người. Bằng cách nỗ lực trong học tập và rèn luyện, các em đang chuẩn bị cho mình hành trang về kiến thức cũng như về nhân cách để bước vào đời, bước vào cuộc sống sôi động, phong phú với nhiều thử thách và nhiều cơ hội. Các em có thể vượt qua thử thách, có thể nắm bắt được cơ hội nếu như các em không bỏ phí hoài thời gian ngồi trên ghế nhà trường. Hãy nhớ câu châm ngôn: "Ai bắt đầu từ lúc còn trẻ người đó sẽ trở thành bậc thầy".

Hãy biết tiết kiệm thời gian, đừng gọi điện thoại quá nhiều, nhắn tin vô bổ, không lên mạng để "câu giờ", không đàn đúm bê tha, không bàn luận những điều nhảm nhí...

Hãy học tập hết mình, học chủ động, sáng tạo, không hời hợt qua loa. Ngoài giờ lên lớp hãy tự học chứ đừng đi học thêm. Tự học là phương pháp tốt nhất để phát huy trí tuệ, để nắm vũng kiến thúc và linh hoạt áp dụng. Còn học thêm là con đường ngắn nhất làm cho trí tuệ dần trở thành "thiểu năng". Nên biết rằng trong kỳ thi vào ĐH, CĐ vừa qua 80% thủ khoa là ở vùng nông thôn, trong số đó phần lớn không đi học thêm. Đó là điều đáng để cho chúng ta suy nghĩ.

Ngay trong thời gian trên ghế nhà trường Lương Thế Vinh, các em hãy rèn luyện cho mình những phẩm chất cần có về nhân cách. Hãy trung thực đừng dối trá , hãy vị tha đừng vị kỷ, hãy hòa đồng đừng đố kỵ, hãy cao thượng đừng thấp hèn, hãy độc lập suy nghĩ đừng a dua bầy đàn, hãy nói lời thanh cao đừng buông câu tục tĩu... Tóm lại, hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ để có thể bước vào đời như một người chân chính chứ không phải là một kẻ hạ lưu... Thầy hy vọng rất nhiều ở các em, những chủ nhân tương lai của đất nước .

Thân ái:

Văn Như Cương


Steve Jobs kể về cuộc đời và cái chết trong diễn văn bất hủ

Những lời phát biểu tại lễ tốt nghiệp ở Đại học Stanford năm 2005 về thân thế, sự nghiệp, tình yêu và sự mất mát của Steve Jobs trở thành một trong những bài diễn văn để đời và đáng nhớ nhất trong lịch sử nhân loại.

>Huyền thoại Steve Jobs qua đời ở tuổi 56 / Cộng đồng iFan sững sờ trước tin Steve Jobs ra đi / Video tưởng niệm Steve Jobs

Steve Jobs đã qua đời vào sáng 5/10/2011, khiến cả thế giới sửng sốt và tiếc nuối. Ông là người kín tiếng, gần như không bao giờ nói về đời tư và cuộc trò chuyện cởi mở nhất có lẽ là bài phát biểu dưới đây:

Steve Jobs - một biểu tượng công nghệ của thế giới. Ảnh: Apple.

"Tôi rất vinh dự có mặt trong lễ trao bằng tốt nghiệp của các bạn hôm nay tại một trong những trường đại học uy tín nhất thế giới. Tôi chưa bao giờ có bằng đại học. Phải thú nhận đây là lần tôi tiếp cận gần nhất với một buổi tốt nghiệp. Tôi muốn kể cho các bạn ba câu chuyện về cuộc đời tôi. Không có gì nhiều nhặn. Chỉ là ba câu chuyện.

Chuyện thứ nhất là về việc kết nối các dấu chấm (kết nối các sự kiện)

Tôi bỏ trường Reed College ngay sau 6 tháng đầu, nhưng sau đó lại đăng ký học thêm 18 tháng nữa trước khi thực sự rời trường. Vậy, vì sao tôi bỏ học?

Mọi chuyện như đã định sẵn từ trước khi tôi sinh ra. Mẹ đẻ tôi là một sinh viên, bà chưa kết hôn và quyết định gửi tôi làm con nuôi. Bà nghĩ rằng tôi cần được nuôi dưỡng bởi những người đã tốt nghiệp đại học nên sắp đặt để trao tôi cho một vợ chồng luật sư ngay trong ngày sinh. Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi vào phút chót bởi họ muốn nhận một bé gái hơn là tôi.

Vì thế, cha mẹ nuôi của tôi, khi đó đang nằm trong danh sách xếp hàng, đã nhận được một cú điện thoại vào nửa đêm rằng: "Chúng tôi có một đứa con trai không mong đợi, ông bà có muốn chăm sóc nó không?" và họ trả lời: "Tất nhiên rồi". Mẹ đẻ tôi sau đó phát hiện ra mẹ nuôi tôi chưa bao giờ tốt nghiệp đại học còn cha tôi thậm chí chưa tốt nghiệp phổ thông trung học. Bà từ chối ký vào giấy tờ trao nhận và chỉ đồng ý vài tháng sau đó khi bố mẹ hứa rằng ngày nào đó tôi sẽ vào đại học.

Sau đó 17 năm, tôi thực sự đã vào đại học. Nhưng tôi ngây thơ chọn ngôi trường đắt đỏ gần như Đại học Stanford vậy. Toàn bộ số tiền tiết kiệm của bố mẹ tôi phải dồn vào trả học phí cho tôi. Sau 6 tháng, tôi thấy việc đó không hề hiệu quả. Tôi không có ý niệm về những gì muốn làm trong cuộc đời mình và cũng không hiểu trường đại học sẽ giúp tôi nhận ra điều đó như thế nào. Tại đó, tôi tiêu hết tiền mà cha mẹ tiết kiệm cả đời. Vì vậy tôi ra đi với niềm tin rằng mọi việc rồi sẽ ổn cả. Đó là khoảnh khắc đáng sợ, nhưng khi nhìn lại, đấy lại là một trong những quyết định sáng suốt nhất của tôi. Tôi bắt đầu bỏ những môn học bắt buộc mà tôi không thấy hứng thú và chỉ đăng ký học môn tôi quan tâm.

Tôi không có suất trong ký túc, nên tôi ngủ trên sàn nhà của bạn bè, đem đổi vỏ chai nước ngọt lấy 5 cent để mua đồ ăn và đi bộ vài km vào tối chủ nhật để có một bữa ăn ngon mỗi tuần tại trại Hare Krishna. Những gì tôi muốn nói là sau này tôi nhận ra việc cố gắng theo đuổi niềm đam mê và thỏa mãn sự tò mò của mình là vô giá.

Tôi sẽ kể cho các bạn một ví dụ: Đại học Reed khi đó có lẽ là trường tốt nhất dạy về nghệ thuật viết chữ đẹp ở Mỹ. Khắp khuôn viên là các tấm áp-phích, tranh vẽ với những dòng chữ viết tay tuyệt đep. Vì tôi đã bỏ học, tôi quyết định chỉ đăng ký vào lớp dạy viết chữ để tìm hiểu họ làm điều đó thế nào. Tôi học cách biến hóa với nét bút, về khoảng cách giữa các chữ, về nét nghiêng, nét đậm. Đây là môn học nghệ thuật và mang tính lịch sử mà khoa học không thể nắm bắt được và tôi thấy nó thật kỳ diệu.

Những thứ này khi đó dường như chẳng có chút ứng dụng thực tế nào trong cuộc đời tôi. Nhưng 10 năm sau, khi chúng tôi thiết kế máy Macintosh, mọi thứ như trở lại trong tôi. Và chúng tôi đưa nó vào trong Mac. Đó là máy tính đầu tiên có các font chữ đẹp. Nếu tôi không bỏ học chỉ để theo một khóa duy nhất đó, máy Mac sẽ không bao giờ được trang bị nhiều kiểu chữ hoặc có được sự cân xứng về khoảng cách các chữ như vậy (sau này Windows đã sao chép lại). Nếu tôi không bỏ học, tôi có lẽ sẽ không bao giờ tham gia lớp nghệ thuật viết chữ và máy tính có lẽ không có được hệ thống chữ phong phú như hiện nay.

Tất nhiên, chúng ta không thể kết nối các dấu ấn tương lai, bạn chỉ có thể móc nối chúng khi nhìn lại quá khứ. Vậy hãy tin rằng các dấu chấm, các sự kiện trong cuộc đời bạn về mặt này hay mặt khác sẽ ảnh hưởng đến tương lai của bạn. Bạn phải có niềm tin vào một thứ gì đó - sự can đảm, số phận, cuộc đời, định mệnh hay bất cứ điều gì - cách nghĩ đó đã tạo nên những sự khác biệt trong cuộc đời tôi.

Câu chuyện thứ hai là về tình yêu và sự mất mát

Tôi may mắn khi đã nhận ra những gì tôi yêu quý ngay từ khi còn trẻ. Woz (Steve Wozniak) cùng tôi sáng lập Apple tại garage của bố mẹ khi tôi mới 20 tuổi. Chúng tôi làm việc miệt mài trong 10 năm và phát triển từ một cái nhà xe thành một công ty trị giá 2 tỷ USD với 4.000 nhân viên. Chúng tôi cho ra đời thành quả sáng tạo - Macintosh - khi tôi mới bước sang tuổi 30.

Sau đó, tôi bị sa thải. Sao bạn lại có thể bị sa thải tại ngay công ty mà bạn lập ra? Apple đã thuê một người mà tôi nghĩ là đủ tài năng để điều hành công ty với mình và năm đầu tiên, mọi thứ đã diễn ra tốt đẹp. Nhưng sau đó, tầm nhìn về tương lai của chúng tôi khác nhau và không thể hợp nhất. Khi đó, ban lãnh đạo đứng về phía ông ấy. Ở tuổi 30, tôi phải ra đi. Những gì tôi theo đuổi cả đời đã biến mất, nó đã bị phá hủy.

Tôi không biết phải làm gì trong những tháng tiếp theo. Tôi cảm thấy như mình đã đánh rơi mất cây gậy trong cuộc chơi khi người ta vừa trao nó cho tôi. Tôi đã gặp David Packard và Bob Noyce, cố gắng xin lỗi vì đã làm mọi chuyện trở nên tồi tệ. Tôi còn nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Nhưng mọi thứ bắt đầu kéo tôi trở lại. Tôi vẫn yêu những gì tôi làm. Bước ngoặt tại Apple không thay đổi con người tôi. Tôi bị từ chối, nhưng tôi vẫn còn yêu. Vì thế tôi quyết định làm lại từ đầu.

Khi đó tôi đã không nhận ra, nhưng hóa ra bị sa thải lại là điều tốt nhất dành cho tôi. Sức ép duy trì sự thành công đã được thay thế bằng tinh thần nhẹ nhàng của người mới bắt đầu lại và không chắc về những gì sẽ diễn ra. Nó giải phóng tôi để bước vào giai đoạn sáng tạo nhất cuộc đời.

Trong năm năm tiếp theo, tôi thành lập NeXT và một công ty khác mang tên Pixar và phải lòng một người phụ nữ tuyệt vời, người trở thành vợ tôi sau này. Pixar tạo ra bộ phim từ đồ họa máy tính đầu tiên trên thế giới - Toy Story và hiện là xưởng phim hoạt hình thành công nhất toàn cầu. Apple mua lại NeXT, tôi trở lại và công nghệ tôi phát triển ở NeXT là trọng tâm trong cuộc phục hưng Apple. Tôi và vợ Laurene cũng có một cuộc sống gia đình tuyệt vời.

Steve Jobs tại NeXT sau khi bị Apple sa thải. Ảnh: AP.

Tôi khá chắc chắn rằng những điều trên sẽ không xảy ra nếu tôi không bị Apple sa thải. Nó như một liều thuốc đắng và kinh khủng, nhưng bệnh nhân cần nó. Đôi khi cuộc đời sẽ giáng một viên gạch vào đầu bạn. Đừng mất niềm tin. Tôi hiểu thứ duy nhất khiến tôi vững vàng chính là niềm đam mê. Bạn phải tìm ra bạn yêu cái gì. Nó đúng cho công việc và cho cả những người thân yêu của bạn. Công việc chiếm phần lớn cuộc đời và cách duy nhất để thực sự hài lòng là làm những gì bạn tin nó sẽ trở nên tuyệt vời. Và cách duy nhất có công việc tuyệt vời là yêu những gì bạn làm. Nếu chưa nhận ra, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng dừng lại. Như mọi mối quan hệ trong cuộc đời, nó sẽ trở nên ngày càng tốt đẹp hơn qua từng năm.

Câu chuyện thứ ba là về cái chết.

Khi 17 tuổi, tôi đọc ở đâu đó rằng: "Nếu sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng, một ngày nào đó bạn sẽ đúng". Điều đó gây ấn tượng với tôi và 33 năm qua, tôi nhìn vào gương mỗi sáng và hỏi: "Nếu hôm nay là ngày cuối của cuộc đời mình, mình có muốn làm những gì định làm hôm nay không?". Nếu câu trả lời là "Không" kéo dài trong nhiều ngày, đó là lúc tôi biết tôi cần thay đổi.

Luôn nghĩ rằng mình sẽ sớm chết là công cụ quan trọng nhất giúp tôi tạo ra những quyết định lớn trong đời. Vì gần như mọi thứ, từ hy vọng, niềm tự hào, nỗi sợ hãi, tủi hộ hay thất bại, sẽ biến mất khi bạn phải đối mặt với cái chết, chỉ còn lại điều thực sự quan trọng với bạn. Nghĩ rằng mình sắp chết là cách tốt nhất tôi tránh rơi vào bẫy rằng tôi sẽ mất cái gì đó. Khi không còn gì nữa, chẳng có lý gì bạn không nghe theo lời mách bảo của trái tim.

Một năm trước, tôi biết mình bị ung thư. Tôi được chụp cắt lớp lúc 7h30 và nhìn thấy rõ khối u trong tuyến tụy. Tôi còn chẳng biết tuyến tụy là cái gì. Bác sĩ bảo tôi bệnh này không chữa được và tôi chỉ có thể sống thêm 3 đến 6 tháng nữa. Ông ấy khuyên tôi về nhà và sắp xếp lại công việc, cố gắng trò chuyện với bọn trẻ những điều mà tôi định nói với chúng trong 10 năm tới, nhưng giờ phải tâm sự trong vài tháng. Nói cách khác, hãy nói lời tạm biệt.

Tối hôm đó, tôi được kiểm tra sinh thiết. Họ đút một ống qua cổ họng tôi xuống dạ dày và ruột rồi đặt một cái kim vào tuyến tụy để lấy mẫu tế bào khối u. Tôi giữ thái độ bình thản, và vợ tôi, cũng có mặt lúc đó, kể với tôi rằng khi các bác sỹ xem các tế bào dưới kính hiển vi, họ đã reo lên khi phát hiện đây là trường hợp ung thư tuyến tụy hiếm hoi có thể chữa được bằng phẫu thuật. Tôi đã được phẫu thuật và bây giờ tôi đã khỏe lại.

Steve Jobs mất ngày 5/10. Ảnh: Yahoo News.

Đó là lần gần nhất tôi đối mặt với cái chết. Tôi hy vọng lần tiếp theo sẽ là vài thập kỷ nữa. Không ai muốn chết. Ngay cả người mong được lên thiên đường cũng không muốn chết để tới đó. Nhưng cái chết là đích đến mà chúng ta đều phải tới. Không ai thoát được nó. Cái chết như là phát minh hay nhất của sự sống. Nó là tác nhân thay đổi cuộc sống. Nó loại bỏ sự cũ kỹ (người già) để mở đường cho cái mới (lớp trẻ). Các bạn chính là thế hệ trẻ, nhưng ngày nào đó sẽ già đi và rời bỏ cuộc sống. Xin lỗi vì đã nói thẳng nhưng điều đó là sự thật.

Thời gian của bạn không nhiều, đừng lãng phí bằng cách sống cuộc đời của người khác. Đừng nghe những lời giáo điều, vì đó là suy nghĩ của người khác. Đừng để những quan điểm ồn ào lấn át tiếng nói bên trong bạn. Chúng biết bạn muốn gì. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu.

Khi tôi còn trẻ, có một cuốn sách thú vị là The Whole Earth Catalog (Cẩm nang thế giới). Nó giống như một cuốn kinh thánh, kim chỉ nam của thế hệ tôi. Tác giả Steward Brand tạo ra nó vào thập niên 60, trước thời máy tính cá nhân. Nội dung sách được soạn bằng máy đánh chữ, bằng kéo và bằng máy ảnh polaroid. Nó như Google trên giấy vậy. Ở bìa sau của cuốn sách có in ảnh một con đường trong ánh bình minh, bên dưới là dòng chữ: "Sống khát khao. Sống dại khờ". Tôi luôn chúc điều đó cho chính mình. Hôm nay, các bạn tốt nghiệp và sắp bước vào cuộc đời mới, tôi cầu chúc điều đó cho các bạn.

Hãy luôn khao khát. Hãy luôn dại khờ".

http://sohoa.vnexpress.net/tin-tuc/doi-song-so/steve-jobs-ke-ve-cuoc-doi-va-cai-chet-trong-dien-van-bat-hu-1514075.html

Marie Curie là người phụ nữ đầu tiên và cũng là duy nhất trên thế giới hai lần được nhận giải thưởng Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau, được suy tôn là nữ bác học xuất sắc nhất trên toàn thế giới.

Marie Curie là nhà vật lý học, nhà hóa học Pháp gốc Ba Lan, nổi tiếng toàn thế giới về việc nghiên cứu chất phóng xạ. Bà là người phụ nữ đầu tiên và cũng là duy nhất trên thế giới hai lần được nhận giải thưởng Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau, được suy tôn là nữ bác học xuất sắc nhất trên toàn thế giới. Cuộc đời của Marie Curie là một câu chuyện thần kỳ, với rất nhiều sự tích vĩ đại.
 
Bà đã dành toàn bộ tâm trí, nhiệt tình và sinh mệnh của mình cống hiến cho sự nghiệp khoa học. Bà là tác giả của một tuyên ngôn nổi tiểng: "Trong khoa học, điều quan trọng là phát minh ra cái gì, chứ không phải là bản thân nhà nghiên cứu"...
 
Marie Curie, sinh ngày 17/11/1867 tại Warsaw, Ba Lan. Ngay từ nhỏ đã bộc lộ tư chất thông minh hơn người và không chùn bước trước bất cứ một khó khăn, thử thách nào để đến với thế giới khoa học rộng lớn, bí hiểm và lý thú. Vì chính phủ Ba Lan thời đó không nhận phụ nữ vào học đại học, Marie Sklodowska đành phải học tại "Trường đại học lưu động" do một số trí thức yêu nước bí mật ở Ba Lan lập ra.
 
Nữ bác học Marie Curie: Cuộc đời là một câu chuyện thần kỳ! 1
 
Để có tiền đóng học, Marie phải làm gia sư cho một nhà điền chủ giàu có trong vùng. Sau 5 năm làm gia sư, khi đã 24 tuổi, nhờ sự giúp đỡ từ người chị cả Marie được sang Paris học tại Trường đại học Sorbonne - một trường đại học danh tiếng, coi trọng trí thức và nhân tài, trân trọng người có học vấn cao. Tại đây, Marie đã giành tất cả thời gian và tâm sức cho học tập và nghiên cứu khoa học.
 
Chỉ một thời gian ngắn sau khi đến Paris, nhờ những nỗ lực phi thường, Marie đã nhanh chóng trở thành một trong những sinh viên xuất sắc nhất của Trường đại học Sorbonne. Ngay khi đang còn là sinh viên năm thứ ba Marie đã được cấp bằng Thạc sĩ Vật lý và đến năm thứ tư được cấp tiếp bằng Thạc sĩ Số học. Ngoài ra, Marie còn nói, viết thành thạo các thứ tiếng: Pháp, Nga, Anh, Đức và quyết tâm làm luận án Tiến sĩ Vật lý.
 
Tiền học phí đại học của Marie chủ yếu trông vào số tiền đã dành dụm được trong 5 năm làm gia sư. Cô không có tiền thuê người giúp việc, không có tiền mua thịt, có khi mấy tuần liền chỉ ăn bánh mì với nước trà, thỉnh thoảng mới được ăn một vài quả trứng, một thỏi sôcôla hay một trái táo. Sinh hoạt kham khổ khiến Marie bị bệnh thiếu máu, hay bị ngất. Cô cũng không có thì giờ để tính chuyện yêu đương và hôn nhân.
 
Song chính trên con đường gập ghềnh và chông gai chinh phục đỉnh cao khoa học, Marie klodowska đã gặp và kết hôn với một nhà khoa học danh tiếng của Pháp: Pierre Curie.
 
Tình yêu với Pierre Curie là mối tình thứ hai trong cuộc đời của Marie Sklodowska. Năm 19 tuổi, khi đang làm gia sư, Marie đã có mối tình đầu thơ mộng với anh con trai nhà chủ.
 
Nữ bác học Marie Curie: Cuộc đời là một câu chuyện thần kỳ! 2
 
Vào kỳ nghỉ hè, Casimir - cậu con trai nhà chủ là sinh viên từ thủ đô về nhà đã đem lòng yêu mến cô gia sư có làn da trắng mịn, tóc vàng óng, đôi mắt to, thông minh đầy sức quyến rũ. Cô còn giỏi khiêu vũ, bơi thuyền, trượt tuyết, cử chỉ nhã nhặn, lại có năng khiếu văn chương. Hai người yêu nhau say đắm và đã bàn đến chuyện kết hôn. Song mối tình của họ không được cha mẹ của chàng trai chấp nhận.
 
Thêm vào đó, về phía Casimir, do bản tính nhút nhát, nông nổi đã ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ, lập tức bỏ rơi Marie, trở về trường đại học. Sự kết thúc của mối tình đầu ngắn ngủi đã gây cho Marie một cú sốc đến mức tìm đến cái chết. May mà cô bạn thân đã đến kịp.
 
Những ký ức nặng nề của mối tình đầu cộng với sự bận rộn của việc học hành và nghiên cứu khoa học, Marie hầu như không còn tâm trí để nghĩ đến chuyện yêu đương. Nhưng như một sự bù đắp, khoa học đã đem lại cho cô một người đàn ông giỏi giang, tâm đầu ý hợp.
 
Vào đầu năm 1894. Marie nhận lời mời của Hội doanh nghiệp Pháp nghiên cứu từ tính của các loại thép. Marie phải nhờ đến sự trợ giúp của một giáo sư Vật lý gốc Ba Lan. Vị giáo sư này đã giới thiệu Marie với Pierre Curie - Trưởng phòng thí nghiệm của Trường Vật lý Paris. Pierre Curie lúc đó đã 35 tuổi, chưa vợ, nổi tiếng về những phát minh về hiện tượng điện áp, về chiếc cân và định luật từ tính mang tên Curie. Nhà Vật lý học tài ba này cũng mang tâm hồn nghệ sĩ, cũng viết văn và làm thơ, yêu âm nhạc, say mê khoa học.
 
Nữ bác học Marie Curie: Cuộc đời là một câu chuyện thần kỳ! 3
 
Chỉ vài tháng sau khi gặp gỡ, Marie và Pierre đã yêu nhau và nhanh chóng đi đến hôn nhân. Lễ cưới của họ hết sức đơn giản, không có nhẫn cưới, tiệc cưới, không có cả nghi thức tôn giáo. Họ đạp xe về nông thôn hưởng tuần trăng mật. Ngay cả trong tuần trăng mật, họ cũng nói rất nhiều về lý tưởng, công việc và các thí nghiệm.
 
Hai năm sau ngày cưới, Marie Curie sinh con gái đầu lòng và chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ vật lý. Bà đã chọn hiện tượng phóng xạ của nguyên tố Urani làm đề tài nghiên cứu. Phải chạy vạy mãi hai vợ chồng Pierre Curie mới mượn được một gian hầm ẩm thấp để làm phòng thí nghiệm. Với hàng ngàn phép tính toán và đo đạc.
 
Ngót chục năm sau, hai vợ chồng Curie phát hiện ra một nguyên tố phóng xạ mới có cường độ phóng xạ mạnh gấp 400 lần so với Urani nguyên chất. Bà đã dùng tên của Tổ quốc Ba Lan để đặt tên cho nguyên tố đó: Poloni. Ít lâu sau, hai vợ chồng lại phát hiện thêm nguyên tố có cường độ phóng xạ cực mạnh, đó là Radi. Vì tinh luyện Radi từ quặng Pêchbơlăng rất vất vả và tốn kém, hai vợ chồng Curie quyết tâm tìm cách sáng chế.
 
Sau bốn năm trời với hàng ngàn thí nghiệm, hai vợ chồng Curie đã luyện thành công chất Radi. Với thành công này, năm 1903. Viện Khoa học Hoàng gia London trao tặng hai ông bà Huy chương Devy và một tháng sau Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển trao tặng hai người giải thưởng Nobel Vật lý. Trường đại học Paris phong tặng bà Marie Curie danh hiệu Tiến sĩ khoa học Vật lý xuất sắc.
 
Nhớ lại thời gian ấy, Marie Curie nói: " Sau khi từ phòng thí nghiệm trở về nhà, đầu óc chúng tôi vẫn cứ còn vương vấn về hiện tượng lạ trong phòng thí nghiệm. Tôi rủ Curie quay lại. Vừa mở cửa, cả hai chúng tôi sững sờ vì muối Radi trong lọ phát ra tia huỳnh quang màu xanh lấp lánh như sao trên bầu trời đêm. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, ứa nước mắt vì sung sướng.
 
Gần 4 năm trời ròng rã đó, chúng tôi không có tiền, cũng chẳng một ai giúp đỡ, song tôi có thể nói không chút khoa trương rằng, mấy năm đó là thời kỳ anh dũng và cũng hạnh phúc nhất trong cuộc sống của hai vợ chồng tôi...".
 
Năm 1906, một tai họa đã đột ngột giáng xuống cuộc đời của Marie Curie. Trên đường tới Viện Hàn lâm khoa học, Pierre bị tai nạn giao thông và qua đời. Marie Curie không chỉ mất đi một người chồng hết mực yêu thương, mà còn mất đi một chiến hữu đồng cam cộng khổ, một chỗ dựa vững chắc trên con đường vươn tới đỉnh cao khoa học.
 
Một năm sau, Marie Curie được nhận chức giáo sư thay thế chồng giảng dạy tại Trường đại học và trở thành nữ giáo sư đầu tiên ở Trường đại học Paris. Với nghị lực phi thường, vừa phải một mình nuôi hai con nhỏ, vừa đảm đương công việc dạy học và nghiên cứu khoa học, năm 1911 Marie Curie lại một lần nữa nhận giải Nobel Hóa học. Chính phủ Pháp quyết định tặng bà Huân chương Bắc đẩu bội tinh.
 
Nữ bác học Marie Curie: Cuộc đời là một câu chuyện thần kỳ! 4
 
Marie Curie đã hiến thân cho khoa học dũng cảm và vô tư. Sau khi chất Radi xuất hiện, người ta phát hiện tia phóng xạ của nó có thể xuyên qua cơ thể, phá hoại các tế bào bệnh lý, do đó Radi trở thành một vũ khí hữu hiệu chống bệnh ung thư. Giới đầu tư các nước đua nhau trả giá thật cao để mua phương pháp tinh luyện Radi của bà. Có người khuyên bà cách độc quyền lũng đoạn. Nhưng bà không hám lợi. Bà cho rằng phát minh khoa học là để mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại, chứ không phải mưu lợi cho cá nhân. Vì thế bà đã công bố cho toàn thế giới biết phương pháp tinh luyện Radi.
 
Năm 1914, bà được cử làm Giám đốc Viện Radi ở Paris. Đây là cơ sở đầu tiên sử dụng Radi điều trị bệnh ung thư. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Marie Curie cùng con gái là Iren đã ra sức ứng dụng tia Radi để cứu người.
 
Năm 1921, Marie Curie trên cương vị Giám đốc Viện Radi cùng con gái là Iren sang thăm nước Mỹ. Tổng thống Mỹ đã tặng bà một gram Radi. Bà đã đề nghị ghi rõ trong chứng thư rằng đó là món quà tặng bà để tiến hành nghiên cứu khoa học chứ không phải để làm tài sản riêng.
 
Năm 1922, bà được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Pháp. Cùng năm này, Ủy ban Quốc tế hợp tác tri thức của Hội Quốc liên tại Geneve bầu bà làm Phó chủ tịch của tổ chức. Bà đã cống hiến cả sinh mạng cho khoa học.
 
Ngày 14 tháng 7 năm 1934, Marie Curie qua đời. Các bác sĩ cho biết, bà bị trúng độc Radi. Do bị bức xạ lâu dài, nội tạng của bà bị tổn thương nghiêm trọng.Thi hài của bà được mai táng tại ngoại ô Paris, bên cạnh Pie Curie.
 
Để ghi nhớ cống hiến lớn lao của nữ bác học kiệt xuất trong việc nghiên cứu các nguyên tố mang tính phóng xạ, người ta đã gọi đơn vị cường độ tính phóng xạ là "Curie"! Marie Curie mất đúng vào năm con gái và con rể là Iren Jolit Curie và Federic được tặng thưởng giải Nobel về Hóa học.
 
http://kenh14.vn/goc-trai-tim/nu-bac-hoc-marie-curie-cuoc-doi-la-mot-cau-chuyen-than-ky-201212213215878.chn

 

Alexandre Yersin và Việt Nam

Nguyễn Văn Tuấn

 

Trong ngành vi sinh học (microbiology) Yersin là một trong những tên tuổi lịch sử, vì chính ông là người phát hiện vi khuẩn bệnh dịch hạch (mang tên Yersinia pestis).  Trên trường quốc tế, tên ông thường gắn liền với Việt Nam: nói đến Yersin là nói đến Việt Nam.  Có thể nói Yersin là một nhà khoa học Việt Nam, vì tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với Việt Nam, và Việt Nam là quê hương của ông.  Thế nhưng so với sự nghiệp và công trạng khoa học đồ sộ của ông, sách vở viết về ông vẫn còn rất khiêm tốn.  Điều may mắn là dù Yersin đã qua đời gần 60 năm về trước, nhưng ông đã để lại gần 1000 lá thư, và tìm hiểu những lá thư này cho chúng ta thấy đằng sau tên vi khuẩn là một con người, một người nhân hậu đã để lại một di sản quí báu chẳng những cho Việt Nam mà còn cho cả thế giới. 

Cuộc đời và sự nghiệp

Alexandre Émile John Yersin

Alexandre Émile John Yersin sinh ngày 22 tháng 9 năm 1863 tại làng Lavaux, Quận Vaud, bên bờ hồ Geneva, Thụy Sĩ.  Sau khi theo học trung học phổ thông ở Lausanne, ông sang Paris theo học y khoa tại Đại học Marburg.  Năm 1888, Yersin hoàn tất luận án tiến sĩ y khoa với đề tài bệnh lao (La tuberculous expérimental, type Yersin).  Luận án được đánh giá cao và ông được thưởng huy chương đồng, nhưng ông nhận một cách miễn cưỡng.  Trong thời gian theo học y khoa, trong một tai nạn bị chảy máu tay khi ông làm giải phẫu trên xác tử thi chết vì bệnh dại, ông được tiếp xúc với Pierre-Paul-Émile Roux (1853-1933), một nhà khoa học nổi tiếng thời đó đang theo đuổi một công trình nghiên cứu về phương pháp chữa trị bệnh dại.  Roux cứu sống Yersin bằng cách tiêm thuốc do chính Roux bào chế.  Sau khi tốt nghiệp, Yersin được Roux thu nhận vào làm việc với vai trò phụ tá nghiên cứu.  Năm 1889, Yersin còn được giao thêm một nhiệm vụ dạy học môn vi sinh học tại Viện Pasteur. 

            Thời gian làm phụ tá cho Giáo sư Roux, Yersin còn có cơ hội làm tại Bệnh viện nhi đồng (Hôpital des Enfants-Malades), nơi mà bệnh bạch hầu đang là một vấn nạn y tế lớn lúc đó.  Yersin thuyết phục Roux nên nghiên cứu về bệnh này.  Roux và Yersin tiến hành một số thí nghiệm trên chuột, và từ đó phát triển phương pháp truy tìm toxin diphthérique (độc tố bạch hầu) từ nước tiểu của bệnh nhân.  Tiến thêm một bước, Yersin và Roux phát triển vắc-xin thành công dùng cho việc chữa trị bệnh bạch hầu.  Đây là một khám phá đầu tiên và một cống hiến quan trọng của Yersin cho vi sinh học.  Lúc bấy giờ, sinh học đang ở trong một “Thời đại vàng son của vi khuẩn học” – “Golden Age of Bacteriology”, một cuộc cách mạng về tiêm chủng và vắc-xin. 

Với một thành tích đầy hứa hẹn như thế, ai cũng thấy Yersin có một tương lai sáng sũa trong khoa học.  Ấy thế mà ông lại quyết định bỏ sự nghiệp nghiên cứu trước sự kinh ngạc của người thầy (Roux) để “Đông du”.  Yersin xin nghỉ việc từ Viện Pasteur và đệ đơn xin làm y sĩ cho Công ti vận chuyển đường biển, Messageries Maritimes.  Ngày 5/3/1890, ông được kêu lên phỏng vấn, và đem theo một lá thư giới thiệu của Louis Pasteur.  Với một người giới thiệu nổi tiếng như thế, Công ti lập tức nhận Yersin vào làm, dù ông chưa bao giờ có kinh nghiệm đi biển bao giờ. 

Tháng 9 năm 1890, Yersin đi xe lửa đến Marseille và từ đó xuống tàu Oxus đi Sài Gòn.  Yersin đến Sài Gòn ngày 15/10/1890, và ngay sau đó được giao nhiệm vụ mới trên tàu Volga chuyên chở hàng qua lại giữa Sài Gòn và Manila (Phi Luật Tân).  Nhiệm vụ trên tàu Volgarất đơn giản và có khi nhàm chán, ông chỉ việc kiểm tra sức khỏe thủy thủ đoàn và cấp giấy chứng nhận y tế.  Do đó, Yersin có rất nhiều thời gian để học về hàng hải và hải đồ (cartography) dưới sự chỉ dẫn của các thuyền trưởng.  Chính những kinh nghiệm học hỏi trên tàu Volgađã giúp ông trong công cuộc thám hiểm trong nội địa Đông Dương sau này.  Trên tàu Volga, Yersin còn tìm cách học tiếng Việt để ông có thể nói chuyện với thủy thủ đoàn mà phần lớn là người Việt Nam.  

Đầu năm 1891 Công ti Messageries hủy bỏ các chuyến tàu giữa Sài Gòn và Manila, Yersin được thuyên chuyển sang làm việc trong các chuyến tàu giữa Sài Gòn và Hải Phòng.  Tuyến đường mới này giúp ông khám phá thêm về Việt Nam.  Ông còn bỏ tiền ra mua một chiếc ca-nô để đi thám hiểm các vùng sâu xa khác trong Việt Nam.  Trong các chuyến thám hiểm ở những vùng hẻo lánh, ông trị bệnh cho dân làng hoàn toàn miễn phí.  Lòng nhân đạo của ông được thể hiện qua một lá thư ông viết về nhà ở Thụy Sĩ: “Tôi không thể nào đòi tiền từ một bệnh nhân.”  Mùa Thu năm 1891, hợp đồng của Yersin với công ti Messageries chấm dứt, và ông bắt đầu dành hết thì giờ để theo đuổi “nghề” thám hiểm. 

Mùa Đông năm 1892 Yersin trở về Âu châu để tham viếng gia đình ở Thụy Sĩ và gặp gỡ các đồng nghiệp cũ ở Paris, nơi mà ông mô tả “thời tiết … quả là khắc nghiệt ghê gớm, buồn chán, và lạnh quá.”  Khi hay tin ông về Paris, Émile Roux hoan hỉ chờ đón Yersin tiếp tục nghiên cứu với ông, nhưng Yersin đã quyết định bỏ sự nghiệp nghiên cứu khoa học ở Pháp.  Quyết định của Yersin không phải vì thời tiết giá lạnh, mà vì “Đối với một người đã từng nếm mùi tự do như tôi, đời sống trong phòng thí nghiệm ở Paris quả là một nhà tù.  Nghiên cứu khoa học rất ư là thú vị, nhưng ông Pasteur từng nói rất chính xác rằng muốn làm người thiên tài trong phòng thí nghiệm người đó phải có tiền nhiều để không phải sống trong cảnh thiếu thốn.”  Tuy nhiên, với sự tiến cử của Roux, Hiệp hội Địa lí Pháp (French Geographic Society) vinh danh Yersin bằng một bằng tưởng thưởng về chuyến thám hiểm ở Phnom Penh.  Trong chuyến quay lại Paris lần này, Yersin cho biết ông được dùng một bữa cơm tối với Louis Pasteur, và được Pasteur “tỏ ý vui mừng về những chuyến thám hiểm của tôi.”  Đối với Yersin được dùng bữa cơm và được Pasteur khen ngợi là một vinh dự.

            Tháng 1 năm 1893, Yersin quay trở lại Sài Gòn.  Lần này, Yersin được giao cho một chức vụ đúng với sở thích và ngành nghề mình: làm cao ủy y tế thuộc địa.  Một trong những qui định của công việc là phải mặc quân phục và hành xử nghiêm chỉnh trong các buổi lễ.  Nhưng Yersin không thể nào tuân hành theo qui định này, vì ông không thích mặc đồng phục.  “Điều làm tôi khó chịu là những người thuộc cấp phải chào tôi theo cung cách quân sự, và tôi cũng phải chào các quan cấp cao hơn tôi theo cung cách như thế.  Tôi không thể nào đi ra ngoài mà không phải dơ tay chào.  Lúc nào tôi cũng phải bận tâm làm sao đừng đi ngang qua mấy ông đại tá, đại úy ,,,”  Ông muốn thoát khỏi Sài Gòn.  Để thực hiện ý định này, ông tổ chức những đợt thám hiểm các vùng rừng núi thuộc miền Trung Việt Nam.  Những cuộc thám hiểm của ông thường gặp phải khó khăn, vì mưa gió, sình bùn, và lụt lội.  Trong một chuyến thám hiểm ông phải đổi cái máy hát mua ở Thụy Sĩ để có một con voi dùng làm chuyên chở hàng hóa và dụng cụ.

            Trong thập niên 1890s, nạn dịch cúm hoành hành ở miền Nam Trung Quốc và bắt đầu lan truyền xuống Đông Dương.  Năm 1894 cơn dịch lớn xảy ra ở Hồng Kông, với khoảng 150.000 người mắc bệnh, và tỉ lệ tử vong lên đến 95%.  Yersin được Nhà cầm quyền thuộc địa gửi đến Hồng Kông để nghiên cứu. 

            Ngày 15/6/1894, Yersin đến Hồng Kông, và chứng kiến một cảnh tượng tang tóc.  Đường xá chật chội đông người thuở nào nay trống trơn; đám tang khắp nơi; những cuộc an táng vộ vã ...  Ba ngày trước đó, Shibasaburo Kitasato, một nhà khoa học danh tiếng người Nhật, cũng đến Hồng Kông để nghiên cứu về bệnh dịch.  Với sự yểm trợ tài lực dồi dào của chính quyền thuộc địa Anh, Kitasato thành lập phòng thí nghiệm trong bệnh viện Kennedy Town.  Trong khi đó, Yersin chỉ có một cái kính hiển vi.  Người Anh cũng không cho ông khám nghiệm tử thi. 

            Sau đó, Yersin được giới thiệu đến gặp Kitasato, và được Kitasato cho làm “quan sát viên”, tức chỉ đứng nhìn nhóm của Kitasato giảo nghiệm tử thi chứ không được trực tiếp nhúng tay vào.  Yersin hết sức ngạc nhiên về phương pháp làm việc của Katasato: họ khám nghiệm máu rất kĩ càng và cẩn thận giảo nghiệm các cơ phận của tử thi, nhưng họ lại bỏ qua chỗ sưng bạch hạch (bubo)! 

            Sau 5 ngày làm quan sát viên, Yersin rất bực bội vì cảm thấy mình chẳng làm được gì.  Ông quyết định làm một việc mà y học ngày nay xem là … bất chính.  Ông nhờ người thông ngôn gốc Ý vốn có cảm tình với Pháp hối lộ những thủy thủ người Anh để mua cho ông vài xác chết (vì lúc đó các thủy thủ này có nhiệm vụ vận chuyển xác chết).  Ngày 20/6/1894 Yersin có được 1 xác chết và bắt tay vào làm việc ngay.  Ông cắt phần sưng bạch hạch và lập tức dùng kính hiển vi khám nghiệm.  Ông phát hiện “une véritable purée de microbe” – tức một vết mờ nhạt có hình cái que với hai đầu tròn.  Khi thử nghiệm vớiGram stain, kết quả âm tính, nhưng với baccillus stain thì dương tính.  Sau khi làm thí nghiệm trên 5 con chuột khác, kết quả tương tự.  Hai ngày sau, Yersin báo cho chính quyền thuộc địa Anh biết về phát hiện của mình.  Người Anh lúc đó mới cho phép ông chính thức khám nghiệm tử thi trực tiếp.  Lúc này, nhóm của Kitasato cũng bắt đầu quay sang khám nghiệm phần sưng bạch hạch và tuyên bố rằng họ đã phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh bạch hầu. 

            Theo sau là một cuộc tranh cãi ồn ào ai là người đầu tiên đã khám phá ra plague bacillus.  Có người cho rằng Yersin và Katasato một cách độc lập cùng khám phá ra vi khuẩn.  Cho đến nay vẫn có một số sách giáo khoa đề là Kitasato-Yersin bacillus.  Nhưng qua các bài báo của Katasato và bình luận của các cộng sự viên với Katasato, kết quả Gram stain mà Katasato tuyên bố là plague bacillus thực làstreptococcus.  Song, trong các thư từ để lại Yersin có vẻ chẳng quan tâm gì đến cuộc tranh luận “ai trước”, mà vẫn tiếp tục nghiên cứu [1]. 

            Năm sau đó (1895) Yersin trỏ lại về Paris.  Dựa vào kết quả nghiên cứu ở Hồng Kông, ông cùng với cộng sự viên phát triển thành công vắc-xin chống bệnh dịch.  Năm 1896, vắc-xin này được dùng để chữa trị thành công một học sinh nhà dòng người Trung Quốc.  Sau khi quay về Việt Nam, ông thành lập viện nghiên cứu lấy tên người thầy cũ, gọi tên là Pasteur Institute – Viện Pasteur.  Viện Pasteur gồm có một bệnh viện, một trung tâm sản xuất vắc-xin, phòng thí nghiệm, và đài thiên văn. 

Nhà thám hiểm

Trong thời gian làm công chức và theo tàu đi lại giữa Sài Gòn và Hải Phòng, Yersin thực hiện nhiều cuộc thám hiểm.  Năm 1891 trong một lần thám hiểm vùng Tây Nguyên Việt Nam, ông khám phá ra nhiều điều bí ẩn tại đây và phát hiện một vùng đất ôn đới mà sau này chúng ta biết là Đà Lạt. 

Trong một chuyến thám hiểm khác, Yersin bị liên hệ vào một vụ nổi loạn của dân chúng địa phương chống lại nhà cầm quyền thuộc địa.  Ngày 18 tháng 6 năm 1893, 56 tù nhân Việt  Nam vượt ngục từ nhà tù Phan Rí và than gia với các nhóm phản kháng khác trong một cuộc nổi dậy nhằm lật đổ chính quyền tỉnh.  Người Pháp khống chế thành công cuộc nổi dậy, nhưng đạo quân nổi loạn thoát khỏi tỉnh và tái tổ chức.  Các nhóm này băng qua các rặng núi để đến Phan Rang tiến hành một cuộc đảo chính khác.  Vì không biết được những sự kiện này, Yersin đến làng Bo Kraan một tuần sau đó.  Dân làng báo cho ông biết rằng có khoảng 30 người nổi loạn đã vượt qua đây trong đêm qua.  Với thói quen liều lĩnh, Yersin quyết định ra tay chận đứng cuộc nổi dậy!  Ngày hôm sau, ông rời Bo Kraan cùng với những người Việt tùy tùng trung thành với ông, và băng qua núi.  Sau 12 giờ đi trong mưa, đoàn ông đối đầu với nhóm nổi loạn tại làng Pho Tan Ngam.  Yersin muốn bắt người đứng đầu nhóm nổi loạn làm tù binh.

Yersin bao vây và dồn người đứng đầu nhóm nổi loạn vào một căn chòi, nhưng trong giây phút cuối, những người Việt tùy tùng của ông chạy trốn, và chỉ một mình ông phải đối diện với kẻ thù!  Những chi tiết trong câu chuyện chỉ là những chữ do chính Yersin ghi chép, do đó rất khó mà biết được đây là một câu chuyện nói khoác hay là một câu chuyện có thật.  Theo Yersin, ông đe doạ kẻ thù ông với cây súng lục nhưng họ tấn công ông trước khi ông có thì giờ nổ súng.  Sau một hồi quần nhau, Yersin bị một thương nhẹ ở tay mặt và bị ăn một báng súng.  May mắn thay, những người nổi loạn không giết ông, họ bỏ mặc ông đó rồi rời hiện trường, có lẽ họ nghĩ ông là một nhân vật quân sự Pháp và sợ bị trả thù.  Gần Nha Trang, mười ngày sau đó, dân quân người Việt bắt trọn nhóm nổi loạn . Yersin chụp hình những người đứng đầu cuộc nổi loạn trước khi họ bì xử tử.  Bằng một mô tả sinh động, Yersin cho biết người đao phủ phải chém đến 4 lần mới chặt được đầu của Thouk, một người đứng đầu trong cuộc nổi loạn.

Sau này, Yersin được thăng chức và trở thành một trong những quan chức cao cấp nhất trong chính quyền thuộc địa ở Đông Dương.  Ông thực hiện nhiều cuộc khảo cứu, kể cả các vùng xa xôi như Mumbai bên Ấn Độ.  Ông điều hành một mạng lưới phòng thí nghiệm và trung tâm tiêm chủng ngừa khắp Việt Nam.  Ông chủ trương và thực hiện các chiến dịch chống sốt rét bằng cách cung cấp quinine cho người dân bản xứ.  Ông tham gia làm việc cho Trung tâm Khí tượng Đông Dương, nghiên cứu làm bản đồ, và hải đồ cho ngành hàng hải Việt Nam.  Ông còn giới thiệu phương pháp trồng trọt cây cao su tại Việt Nam, nhưng đem lại những món lời khổng lồ cho các công ti cao su Pháp như Michelin và làm khổ những công nhân Việt Nam trong các đồn điền cao su như thế.  Nhưng đây là một câu chuyện khác.

Năm 1940, Yersin trong tình trạng sức khỏe kém quay lại Pháp lần cuối.  Nhưng chỉ lưu lại Pháp một năm; năm 1941 ông quay về Nha Trang, mảnh đất ông yêu quí.  Ngày 1 tháng 3 năm 1943, Yersin đau bệnh và qua đời một cách cô đơn tại nhà riêng ở Suối Giao (Nha Trang. Ông thọ 79 tuổi.  Trong di chúc để lại, ông muốn được chôn cất tại Nha Trang để gần những người ông yêu mến.  Cho đến nay, cứ đến ngày 1 tháng 3 hàng năm, dân chúng trong vùng vẫn viếng mộ ông để tỏ lòng mến mộ và kính phục cho một tấm lòng khoa học và nhân đạo. 

Trong danh sách những người Pháp có ảnh hưởng lớn đến lịch sử Việt Nam, có lẽ Yersin là một người mà công trạng và di sản của ông chẳng những không ai chất vấn mà còn được mến mộ.  Tại một số thành phố lớn như Đà Lạt, Hà Nội, hay Thành phố Hồ Chí Minh đều có con đường mang tên ông.  Di sản khoa học của ông vẫn còn tồn tại với những trường mang tên ông, và nhất là Viện Pasteur.  Yersin quả là một nhà khoa học đã đem hai chữ Việt Nam và Nha Trang vào lịch sử vi sinh học trên thế giới.

Mộ Yersin ở Nha Trang (Vietbao.vn)